Mặc dù Nhà nước đã đưa ra rất nhiều quy định mới để tháo gỡ, song, việc xử lý rất phức tạp, số vụ tồn đọng nhiều gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Dân và chính quyền đều gặp khó
Vào tháng 4/2004, gia đình ông Phạm Văn Cường và 17 hộ dân (thôn Rùa Hạ, xã Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội) đã nộp 90 triệu đồng/hộ cho UBND xã và Ban Kiến thiết thôn để hợp thức hóa 630m2 đất gia đình khai hoang từ năm 1986. Việc sử dụng đất làm vườn rau, ao cá ổn định nhiều năm, không tranh chấp.
Tuy nhiên, vào tháng 4/2003, Đoàn Thanh niên của thôn đã cải tạo khu đất cạnh đất nhà ông Cường để làm sân bóng đá. Theo thiết kế ban đầu, sân bóng chỉ rộng hơn 1.600m2. Nhưng trên thực tế, việc đổ đất đã lấn sang toàn bộ đất nhà ông Cường mà không có bất kỳ thông báo gì từ phía chính quyền.
Sau khi phát hiện sự việc, gia đình đã làm đơn kiến nghị, UBND xã đã 2 lần tổ chức họp các bên để giải quyết. Tại các biên bản đều xác định sẽ trả lại cho gia đình ông Cường về vị trí đất như ban đầu mà gia đình đã khai hoang. Thế nhưng, khi gia đình tổ chức cắm mốc giới và làm hàng rào bảo vệ đất đai thì lại bị các gia đình giáp ranh cản trở dẫn đến tranh chấp.
“Tôi rất bức xúc bởi đất đai do bố mẹ bỏ nhiều công sức, tiền của để khai hoang, cải tạo mới có được. Việc sử dụng đất của gia đình ổn định và được người dân thôn Hạ Rùa công nhận. Chỉ vì do mốc giới sai lệch nên dẫn đến tranh chấp. Gia đình đã nhiều lần đề nghị lãnh đạo UBND xã cho cắm mốc giới tại thực địa để trả lại diện tích đúng, đủ cho gia đình theo như văn bản họp xã đã ký ngày 16/5/2023 nhưng không thực hiện” – ông Cường nói.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Thanh Thùy cho biết, diện tích đất của gia đình ông Phạm Văn Cường sử dụng là đất mua bán trái thẩm quyền. Trong đó có 1 phần diện tích có nguồn gốc là đất ao (đất công do xã quản lý) và một phần diện tích là đất trồng rau. Tuy nhiên, việc mua bán đất đai của người dân diễn ra từ nhiều năm trước, có yếu tố lịch sử để lại nên UBND xã gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Sau khi tiếp nhận được đơn kiến nghị của gia đình ông Phạm Văn Cường, xã đã tổ chức 2 lần đối thoại để thống nhất phương án xử lý. Tuy nhiên, do mốc giới bị trùng lấn nên các gia đình vẫn chưa đồng thuận. Vì vậy, UBND xã sẽ tiếp tục tổ chức họp các bên để xử lý trong thời gian sớm nhất.
Tương tự, tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, hơn 20 hộ dân mua đất giãn dân của xã từ thời điểm 1983 – 2000 đang gặp vướng mắc khi việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa bỗng nhiên bị UBND huyện Thanh Oai yêu cầu dừng lại.
Gia đình bà Lê Thị Chinh (xã Thanh Cao) tích cóp được 100 triệu đồng dự định sửa lại căn nhà 1 tầng rộng 35m2 vào tháng 5/2023. Sau khi tháo dỡ toàn bộ phần mái nhà, gia đình bà được UBND xã yêu cầu dừng lại không được sửa chữa do Tổ quản lý trật tự huyện đề nghị phải tạm dừng vì đất chưa đủ điều kiện để xây dựng. Thế là, gần 2 tháng nay, gia đình bà buộc phải thuê nhà trọ để ở.
Chia sẻ với phóng viên, bà Chinh bức xúc nói: “Thời điểm trước, việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa vẫn được làm bình thường. Đầu tháng 6, khi tôi vừa tháo dỡ nhà để xây dựng lại thì nhận được quyết định phải tạm dừng. Bây giờ, cả gia đình phải đi thuê trọ để ở không biết đến bao giờ. Vừa rồi, tôi có đề nghị xã cho tôi lợp lại cái mái để ở tạm nhưng xã không cho”.
Ông Nguyễn Vũ Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Cao cho biết, gần đây có một số hộ trong xã do nhà cửa xuống cấp nên đã đề nghị được sửa chữa, xây dựng lại. Tuy nhiên, đội trật tự xây dựng của Huyện về kiểm tra và đề nghị tạm thời dừng để hoàn thiện thủ tục liên quan đến pháp lý về quyền sử dụng đất. Đây là các hộ được cấp đất giãn dân từ 1983 khi Hà Tây vẫn thuộc tỉnh Hà Sơn Bình, trong đó có hộ mua đất trái thẩm quyền và sử dụng nhiều năm nay không có tranh chấp. Đối với các trường hợp này, UBND xã đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Thanh Oai để xem xét xử lý hướng dẫn người dân hoàn tất thủ tục pháp lý nhưng quá trình xác minh nguồn gốc mất nhiều thời gian nên chưa thực hiện xong được.
Hướng xử lý đất trái thẩm quyền
Theo Lãnh đạo Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với các trường hợp đất đai được giao trái thẩm quyền. Cụ thể, tại khoản 6 Điều 23 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đã được giao không đúng thẩm quyền thì:
Trường hợp người đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với thửa đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004, đất đó không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch nhưng tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận có nhà ở hoặc không có nhà ở thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Diện tích đất còn lại không có nhà ở được xác định là đất nông nghiệp theo hiện trạng sử dụng khi cấp Giấy chứng nhận. Nếu người sử dụng đất đề nghị được chuyển sang đất ở và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì phải nộp tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất theo giá đất ở với thu tiền sử dụng đất theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích.