Nghệ AnCao Duy Thông, nam sinh trường làng ở Nghĩa Đàn đạt IELTS 8.0 và giành ngôi thủ khoa thi tốt nghiệp của tỉnh, dù gia đình phải chạy ăn từng bữa.
Thông trước đó đã trúng tuyển ngành Quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao. Vì vậy, em không đặt nặng thành tích mà chỉ muốn thử thách khả năng của bản thân ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả, nam sinh trường THPT Cờ Đỏ trở thành thủ khoa tỉnh Nghệ An với 56,65/60 điểm. Trong đó, Thông đạt 8,4 điểm Toán, Ngữ văn 9,5, Lịch sử 9,5, Địa lý 9,25, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ 10.
“Chị gái nghe em nói đỗ thủ khoa toàn tỉnh đã òa khóc. Bố mẹ hay tin thì xúc động, nhìn nhau rồi lấy tay lau nước mắt, ôm em vào lòng”, Duy Thông nói. Em và gia đình là người dân tộc Thổ, trú ở làng Cáo, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn.
Sau niềm vui là nỗi lo bởi gia đình kinh tế khó khăn, bố mẹ sức khỏe ngày càng yếu. Cách đây gần chục năm, hai chị gái của Thông từng đỗ Đại học Y khoa Huế nhưng do thiếu tiền đi học, cả hai đành gác lại ước mơ trở thành bác sĩ, ở nhà đi làm thuê.
Thông là con út của ông Cao Văn Việt, 51 tuổi, và bà Lê Thị Thanh, 50 tuổi. Nhà ở vùng cao, xa trung tâm, kinh tế gia đình phụ thuộc vào 6 sào ruộng và vài trăm mét vuông đất vườn đồi trồng cây keo tràm nên cố lắm vẫn chỉ đủ ăn. Trong căn nhà cấp bốn rộng khoảng 100 m2 được xây từ năm 2015, tài sản quý giá nhất là những tấm giấy khen của ba chị em Thông treo trên tường.
Thông học đều các môn, trong đó nổi bật là tiếng Anh. Nam sinh đam mê môn học này từ năm lớp 6, lên lớp 8 thì giành giải nhất học sinh giỏi cấp huyện. Từ đó, em xác định đây là môn học chủ lực để định hướng cho tương lai. Hết lớp 9, Thông thi vào lớp chuyên Anh của trường chuyên Phan Bội Châu tại TP Vinh song thiếu một điểm. Nhìn lại, Thông nói việc học ở THPT Cờ Đỏ cũng rất may mắn bởi em được thầy cô quan tâm, đầu tư phát triển toàn diện.
Ba năm học tại đây, Thông đều là học sinh giỏi. Năm lớp 12, em đạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh. Hồi tháng 3/2022, khi học lớp 11, nam sinh ôn thi IELTS và đạt 7.5. Một năm sau, em nâng điểm lên 8.0.
Là học sinh trường làng, vùng khó khăn nhất huyện Nghĩa Đàn, Thông không có điều kiện đi học ôn ở các trung tâm Anh ngữ hay giao tiếp với người nước ngoài. Vì vậy, nam sinh tự tạo môi trường riêng cho mình. Hàng ngày em lên mạng học nhóm, đọc báo quốc tế, tiểu thuyết bằng tiếng Anh để tích lũy kiến thức.
Ở đợt thi IELTS gần nhất, trả lởi câu hỏi của giám khảo: “Em có cảm thấy socola là một phần tất yếu của cuộc sống hay không”, Thông lập luận việc này tùy vào cảm nhận của mỗi người. Đối với những cặp đôi yêu nhau, đó là món quà lãng mạn. Song với những người không may mắn, kinh tế eo hẹp, đó là món quà xa xỉ để mua. Vì thế, em cho rằng việc cảm nhận về socola cần dựa vào hoàn cảnh của mỗi người. Bài Nói của nam sinh đạt 7.0.
Với các môn học khác, Thông học với tâm thế thoải mái, buổi tối luôn ngủ trước 23h. Những lúc mệt mỏi, em nghe nhạc, chơi cầu lông để thư giãn. Trong các môn thi tốt nghiệp, nam sinh tự tin nhất là tiếng Anh và Ngữ văn, “ngại” nhất Toán. Vì vậy, em xây dựng hẳn một lộ trình để ôn Toán cho bản thân, từ học kiến thức nền, các chuyên đề đến làm đi làm lại các bài toán khó và tìm ra lời giải mới thôi. Việc giành 8,4 điểm Toán là kết quả vượt mong đợi của em.
Tiếng Anh là môn “tủ” nên không khó để Thông đạt điểm tuyệt đối. Với môn Văn, nam sinh đạt 9,5. Trong hơn một triệu bài thi Văn cả nước, chỉ hơn 4.600 em đạt mức điểm này (0,45%).
Thông nói rất thích đề Ngữ văn năm nay, bởi có sự phân hóa cao. Cậu ấn tượng với câu hỏi nghị luận về “sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống”. Trong bài thi, Thông viết: “Nếu có sức mạnh tối cao của đấng tạo hóa, tôi sẽ tạo ra một trái tim để gieo những mầm yêu thương trong tâm hồn mỗi con người, giúp cuộc sống của ai cũng gặp điều tốt đẹp, may mắn”.
Nam sinh liên hệ tới cuộc thi Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2023, khi đại diện Việt Nam là Nguyễn Hà Dịu Thảo dừng bước ở top 11 tối 24/6. “Dù thất vọng vì không được xướng tên bước tiếp, nhưng sau một giây Dịu Thảo đã nở nụ cười chào bạn bè quốc tế làm mọi người trên sân khấu và khán giả xem truyền hình đều ấn tượng. Đây là ví dụ cho sự cân bằng cảm xúc”, Thông kể.
Thầy Chu Thống Nhất, Hiệu trưởng THPT Cờ Đỏ, nói Thông là tấm gương vượt khó, truyền cảm hứng cho nhiều học sinh của trường. Em chăm chỉ, khiêm nhường, có khả năng tự học rất cao.
“Dù gia cảnh khó khăn, Thông luôn nỗ lực vươn lên. Nhà cách trường gần 20 km, buổi trưa em ấy thường ở lại trường, ăn tạm chiếc bánh mỳ hay vắt xôi rồi vào lớp học”, thầy Nhất kể.
Thông thích tìm hiểu các mối quan hệ quốc tế, đặt mục tiêu thành công trong lĩnh vực ngoại giao. Đây là mơ ước của em từ lớp 7 khi biết đến MC Khánh Vy – đồng hương Nghệ An. Em thường lên mạng xem các video tiếng Anh của nữ MC này để học hỏi và có thêm cảm hứng. Nam sinh cũng tính sẽ đi làm thêm để kiếm tiền sinh hoạt, đỡ đần cho bố mẹ.
“Cuộc sống không chỉ là tồn tại. Mình phải sống để mang lại những giá trị tốt hơn. Cho dù thế nào thì con người cần luôn hướng về phía trước, không bao giờ bỏ cuộc”, Thông nói.