Kết quả bước đầu
Theo Luật Giáo dục (GD), phân luồng trong GD là biện pháp tổ chức hoạt động GD trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong GD, tạo điều kiện để HS tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học GD nghề nghiệp hay tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội, góp phần điều tiết cơ cấu ngành, nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Đề án “GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong GD phổ thông” năm 2023 trên địa bàn tỉnh xác định rõ mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học các trình độ GD nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
Công tác hướng nghiệp, phân luồng HS trong năm 2022 đạt kết quả bước đầu; thực hiện đạt và vượt 4/6 chỉ tiêu đề ra. Đó là sự nỗ lực của các ngành liên quan, địa phương, đặc biệt là các trường học và cơ sở GD nghề nghiệp.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Long Hòa (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) – Huỳnh Thúy Phượng, trường phối hợp Trường Cao đẳng Long An – Cơ sở Cần Giuộc đến giới thiệu, tư vấn nghề cho HS khối 9 vào cuối tháng 3 hàng năm cũng như tư vấn trực tiếp cho HS vào các buổi sinh hoạt dưới cờ để trả lời thắc mắc của các em. Đồng thời, giáo viên của trường tiếp tục tư vấn, thông tin, tuyên truyền đến HS, cha mẹ HS về học nghề, nhất là các ngành đang là nhu cầu xã hội hiện nay.
Học sinh lớp 9 tham quan thực tế tại Trường Cao đẳng Long An
Tại các cơ sở GD nghề nghiệp, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư nâng cấp; đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Các cơ sở GD nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh liên kết với trên 200 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh để triển khai đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Qua đó, mối liên kết giữa nhà trường và DN ngày càng gắn bó, giảm áp lực về đầu tư thiết bị của trường; giáo viên có điều kiện được bổ sung kiến thức chuyên môn, thực tiễn trong quá trình giảng dạy; HS, sinh viên được tiếp cận thiết bị và công nghệ mới, hình thành tác phong công nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật, xử lý công việc hiệu quả và có được việc làm phù hợp với chuyên môn sau khi ra trường.
Năm 2022, các cơ sở GD nghề nghiệp tuyển sinh đào tạo 23.055/23.000 lao động, đạt 100,24% kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt; có trên 90% HS, sinh viên sau đào tạo có việc làm. Kết quả đó giúp nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 73,35%, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Còn nhiều khó khăn
Tuy đạt kết quả bước đầu nhưng công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Trong đó, chỉ tiêu quan trọng tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GD nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại trường cao đẳng nghề còn thấp, nhiều năm liền không đạt.
Theo Phó Giám đốc Sở GD và Đào tạo – Phan Thị Dạ Thảo, một số địa phương chưa thường xuyên quan tâm đến công tác hướng nghiệp và phân luồng HS. Phần lớn giáo viên làm công tác tư vấn, hướng nghiệp tại các trường học là giáo viên kiêm nhiệm, ít được tập huấn, bồi dưỡng nên thiếu phương pháp, kỹ năng. Ngoài ra, nhiều cha mẹ HS không muốn cho con học nghề; HS chưa xác định được hướng đi phù hợp với mình.
Bên cạnh đó, tại các cơ sở GD nghề nghiệp, đội ngũ giáo viên còn thiếu so với quy mô đào tạo; thiết bị đào tạo một số ngành, nghề chưa được đầu tư đầy đủ nên lao động sau đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN và thị trường lao động, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao.
Có thể thấy, để thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS, nhất là HS sau tốt nghiệp THCS vẫn là “bài toán” khó. Để giải quyết “bài toán” đó, các ngành liên quan đề ra các giải pháp.
Ngành GD và Đào tạo nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung GD hướng nghiệp trong chương trình GD phổ thông mới; tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện giáo dục STEM trong trường học. Ngoài ra, ngành nỗ lực tổ chức hiệu quả các hoạt động GD hướng nghiệp gắn với các hoạt động trải nghiệm thực tiễn, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; các cơ sở GD phối hợp các trường đại học, cao đẳng tổ chức tư vấn tuyển sinh cho HS.
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nỗ lực nâng cao năng lực của các cơ sở GD nghề nghiệp tham gia công tác phân luồng, trong đó, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo; bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề; điều chỉnh, bổ sung, phát triển chương trình, giáo trình. Ngành triển khai các hoạt động phân luồng HS thông qua việc phối hợp Sở GD và Đào tạo, UBND cấp huyện, các cơ sở GD nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An, DN và doanh nhân thành đạt đến địa phương để tổ chức hội thảo về công tác phân luồng HS, tư vấn tuyển sinh học nghề,… Đồng thời, ngành đẩy mạnh hợp tác, liên kết đào tạo, trong đó, đẩy mạnh hợp tác giữa Nhà nước, nhà trường, nhà DN, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các trường đại học, trường nghề có thương hiệu trong các hoạt động GD nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho người học nghề, trên cơ sở trách nhiệm xã hội và hài hòa lợi ích giữa các bên,…
Để công tác GD hướng nghiệp và phân luồng HS đạt hiệu quả, ngoài những giải pháp trên, cần có sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, DN để chung tay tạo bước đột phá về chất lượng hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS, góp phần điều tiết cơ cấu ngành, nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh./.
An Nhiên