Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án Đường vành đai phía bắc Quảng Nam và Kè bảo vệ bờ sông Nước Là (khu trung tâm hành chính huyện Nam Trà My) không làm tăng tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, nếu tiến độ đầu tư đúng cam kết theo chủ trương được duyệt ban đầu thì đâu “xảy ra” việc kéo lùi thời gian thực hiện hoặc địa phương phải bỏ tiền ra kể tiếp tục đầu tư thay vì chỉ sử dụng nguồn lực từ Trung ương, trong khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của Quảng Nam được dự báo là thiếu hụt nguồn lực đầu tư?
Điều chỉnh hợp lý
Cuối con đường ĐH1, nối quốc lộ 1 qua các địa phương phía bắc thị xã Điện Bàn có một nhánh thênh thang về Điện Thọ. Nhánh rẽ về Điện Tiến vắt qua sông Bàu Sáu, gặp ĐT605 từ Đà Nẵng lên chỉ rộng vài mét, qua cây cầu sắt hẹp. Tuyến này đang có cơ hội trở thành con đường liên kết hệ thống giao thông vùng đông, vùng tây khu vực Bắc Quảng Nam và Đà Nẵng.
Dự án Đường vành đai phía bắc Quảng Nam – được cho sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội thị xã Điện Bàn đã hai lần xin điều chỉnh chủ trương đầu tư. Lần điều chỉnh thứ nhất (22/7/2021, sau HĐND tỉnh ra quyết định chủ trương 3 tháng) thông qua cơ cấu nguồn vốn và tăng thêm vốn.
Thay vì 490 tỷ đồng đầu tư hoàn toàn dựa vào ngân sách trung ương như ban đầu (22/4/2021) đã nâng mức 498 tỷ đồng. Ngân sách trung ương chi 398 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 100 tỷ đồng. Sự điều chỉnh lần này chỉ thay đổi hướng tuyến.
Các cơ quan thẩm định, thẩm tra (Sở KH&ĐT, Sở GTVT, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh) đều cho rằng việc điều chỉnh này cần thiết, phù hợp. So với chủ trương đầu tư được duyệt, việc điều chỉnh hướng tuyến đã giảm chiều dài tuyến từ 5,8km xuống còn 4,63km, ít nút giao cắt, xóa bỏ đường ngang đường sắt…
Không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông, sự thay đổi này sẽ giúp giải phóng mặt bằng nhanh. Tuyến đường điều chình này chủ yếu chỉ đi qua khu vực đất trống, đồng ruộng, không ảnh hưởng đất quy hoạch, đất quốc phòng, đất rừng phòng hộ… có thể tạo ra quỹ đất lớn hai bên đường.
Dự án Kè bảo vệ bờ sông Nước Là (khu trung tâm hành chính huyện Nam Trà My) đã được HĐND tỉnh ra quyết định chủ trương đầu tư ngày 21/4/2020 với tổng mức dự kiến 56,759 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 30 tỷ đồng và ngân sách Nam Trà My 26,759 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2020 – 2022. Theo báo cáo của UBND tỉnh, gói thầu thi công xây lắp công trình đã thực hiện khoảng 34,034 tỷ đồng, đạt 70% giá trị hợp đồng. Tổng giá trị giải ngân đạt 29,357 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình thi công, các đợt mưa lũ lớn vào cuối năm 2020 & 2021 làm xói lở nhiều vị trí hai bên bờ sông. Dòng chảy bị thay đổi cục bộ sau mưa lũ đã ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến kè và các hạng mục khác của công trình. HĐND tỉnh quyết định không đầu tư đập tràn, điện chiếu sáng để bổ sung rãnh thoát nước mặt, gia cố mái kè, bó vỉa… và điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2020 – 2022 thành 2020 – 2023.
Ngoài ra, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương 30 tỷ đồng xuống còn 26,16 tỷ đồng, ngân sách Nam Trà My từ 26,759 tỷ đồng lên 30,599 tỷ đồng. Việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư với lý do ngân sách trung ương đã được bố trí 30 tỷ đồng từ nguồn dự phòng năm 2019, nhưng chỉ mới giải ngân đến năm 2020 được 26,16 tỷ đồng. Số còn lại 3,84 tỷ đồng ngân sách trung ương cắt, không cho kéo dài thời gian giải ngân sang năm 2021.
Có thành thông lệ?
Nhiều công trình, dự án buộc phải điều chỉnh tăng vốn vì khâu thẩm định dự án yếu, chưa thể tính toán đến các phương án phát sinh hoặc các nhà thầu thiếu năng lực tài chính, thi công cầm chừng, dẫn đến kéo dài dự án, kéo theo giá thị trường tăng cao, không thể tiến hành đầu tư như hợp đồng đã ký kết.
Những dự án được phê duyệt điều chỉnh lần này có lặp lại tình trạng tăng vốn và nguồn lực có đủ để đầu tư hay không khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 đã được xác định là không đủ nguồn lực đầu tư, có thể sẽ loại bỏ khá nhiều dự án chưa thực sự cần thiết?
Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh nói, vành đai liên kết với Đà Nẵng đã được chính quyền hai địa phương thống nhất kết nối. Dự án nhóm B này có thời hạn 4 năm. Sẽ sử dụng vốn ngân sách trung ương phân bổ hàng năm làm trước, còn vốn đối ứng của Quảng Nam sẽ được phân bổ sau. Hy vọng sẽ đủ tiền đầu tư.
Riêng việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Kè bảo vệ bờ sông Nước Là là bất khả kháng vì trước đây giải ngân không kịp nên trung ương thu hồi vốn. Địa phương phải bỏ vốn vào để hoàn thiện dự án.
Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (chủ đầu tư dự án Đường vành đai phía bắc Quảng Nam) cho hay, đường vành đai sẽ bắt đầu từ Điện Hòa, băng qua sông Bàu Sáu, đường sắt, vượt cao tốc, thẳng đến Điện Tiến, qua sông Yên, giáp cầu Quảng Đà (Đà Nẵng đầu tư), nối vào quốc lộ 14B.
Ông Hà nói, lần đề xuất chủ trương đầu tư đầu tiên làm quá kỹ, chi li. Khi điều chỉnh lại vẫn thấy vòng vèo, xa nên chính quyền thị xã, đơn vị tư vấn đã khảo sát, lập hồ sơ, tính toán phương án và xin điều chỉnh.
Thị xã Điện Bàn đã ký văn bản đề nghị Cục Đường bộ thỏa thuận nút vượt cao tốc. Cục này đang gửi văn bản lấy ý kiến của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Khu quản lý đường bộ 3.
Cục Đường bộ cho biết khoảng trong tháng 4/2023 sẽ xong hồ sơ thỏa thuận. Khi hoàn tất các thủ tục này, sẽ tiến đến bước phê duyệt thiết kế, dự toán và đấu thầu triển khai dự án.
Chính quyền địa phương đang tiến hành giải phóng mặt bằng. Trung ương đã bố trí năm 2023 là 118 tỷ đồng. Còn 100 tỷ đồng vốn đối ứng của tỉnh sẽ được phân bổ sau. Nếu bây giờ có đưa vốn về cũng sẽ không tiêu nổi. Sẽ phân kỳ đầu tư từ 2022 – 2025.
Việc điều chỉnh 2 dự án trên không làm tăng tổng vốn đầu tư. Sự thay đổi cần thiết để đảm bảo hiệu quả đầu tư kết nối cho dự án vành đai hoặc tạo sự an toàn cho hơn 3.815 dân khu vực sông Nước Là là điều không thể bàn cãi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của các địa phương luôn trong tình trạng thiếu hụt, nếu các chủ đầu tư tính toán kỹ, đưa ra phương án tối ưu từ ban đầu, trước khi trình phê duyệt thì ngân sách địa phương không phải thêm kinh phí để đối ứng (đường vành đai).
Chính quyền Nam Trà My bảo đảm số tiền bỏ ra để hoàn thiện dự án phù hợp với cân đối ngân sách địa phương 2023. Nhưng nếu giải ngân đúng tiến độ theo cam kết thực hiện một dự án cấp bách thì đâu bị trung ương rút vốn (địa phương bị mất), buộc phải bỏ vốn vào đầu tư hoàn thiện.
Có thể thấy, việc xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đặt các đại biểu HĐND vào tình trạng đã rồi, khó lòng từ chối phê chuẩn. Nếu bác bỏ, ít nhất sẽ lãng phí vốn ban đầu đã bỏ ra và “đâm lao phải theo lao” cho dự án tiếp tục hoàn thiện. Không nên để tình trạng này trở thành thông lệ. Cần có cách tiếp cận mới các khoản đầu tư công, đặt ra các quy định theo tính chất từng dự án và quy trách nhiệm cụ thể cho các chủ đầu tư…