Lý giải nguyên nhân dẫn đến thị trường BĐS ảm đạm, tắc nghẽn trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân cho rằng, điểm nghẽn pháp lý dự án dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Đồng thời, nguồn vốn tín dụng bị kiểm soát khiến doanh nghiệp khó tiếp cận, khách hàng có nhu cầu mua nhà ở cũng khó tiếp cận được các gói tài chính ưu đãi. Ngoài ra, sự mất cân đối bởi doanh nghiệp rao bán sản phẩm BĐS phần lớn là hạng sang, còn nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội lại rất ít. Tuy nhiên, từ khi đón nhận những động thái tích cực về các cơ chế, chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước, thị trường BĐS từng bước chuyển mình, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh trở lại, vực dậy niềm tin của nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, DKRA Vietnam cũng cho rằng, bức tranh thị trường BĐS tại khu vực phía Nam nói chung, TP.HCM nói riêng trong thời gian tới sẽ dần hồi phục, khởi sắc hơn, không chỉ đối với những đô thị lớn như TP.HCM, mà nhiều địa phương khác trên cả nước đã chính thức vào cuộc, đẩy mạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS trên địa bàn, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định khi một số dự án đã cơ bản được tháo gỡ và tái khởi động trở lại.
Theo số liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, trong quý II/2023, tại TP.HCM nhu cầu giao dịch dần phục hồi tốt ở loại hình căn hộ và nhà riêng. Lượt tìm kiếm căn hộ quận Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh, TP. Thủ Đức tăng đến 9%. Riêng với phân khúc đất nền, ở một vài khu vực như Hóc Môn, Bình Chánh, TP. Thủ Đức lượt quan tâm tìm kiếm ghi nhận tăng 7% so với cuối năm 2022. Hiện, các chủ đầu tư áp dụng nhiều phương thức chính sách thanh toán linh hoạt như chiết khấu giá bán, gia hạn thời gian thanh toán và hỗ trợ lãi suất để thu hút người mua.
Đưa ra giải pháp phá “tảng băng” thị trường BĐS, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, trong thời gian qua, thị trường BĐS khó khăn có liên quan đến rất nhiều vấn đề nhưng yếu tố liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp BĐS, chính là niềm tin của nhà đầu tư xuống tiền. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải nỗ lực tái đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển các phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu ở thực mới vực dậy tính thanh khoản. Doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn chấp nhận sự thật, cân đối hạ giá bán sản phẩm để thu nguồn vốn đã đầu tư, hạn chế tối thiểu việc âm nguồn vốn, thiếu thanh khoản. Nếu doanh nghiệp BĐS tồn tại qua giai đoạn này thì cơ hội phát triển trở lại là tất yếu.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán cho rằng, hiện nay, thị trường BĐS đã bắt đầu có tín hiệu khởi sắc, đặc biệt khi “room” tín dụng của các ngân hàng đang nới ra, lãi suất đang hạ dần, thị trường chứng khoán cũng dần hồi phục. Nếu cải thiện được giá bán sản phẩm BĐS, giảm lãi suất cho vay,… thì người mua, nhà đầu tư sẽ nhìn nhận lại đúng bản chất của thị trường BĐS. Họ sẽ hài lòng hơn với với tiền bỏ ra để sở hữu sản phẩm BĐS, điều này cũng sẽ giúp thị trường BĐS từng bước phục hồi và phát triển lành mạnh hơn trong thời gian tới.