Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi tốt

Tại buổi tọa đàm phân tích tình hình kinh tế vĩ mô Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023 do Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, các chuyên gia cho rằng trước mắt nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi tốt, nhu cầu thị trường đang phục hồi ổn định, sản xuất và nguồn cung tiếp tục tăng. Cần giữ vững trọng tâm chiến lược, tập trung ổn định tăng trưởng, bảo đảm dân sinh, phòng ngừa rủi ro, tối ưu hóa môi trường kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng và niềm tin phát triển, tự lực tự cường phát triển công nghệ kỹ thuật cao và thúc đẩy nền kinh tế vận hành liên tục. 

Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc tổ chức buổi tọa đàm phân tích tình hình kinh tế vĩ mô ở Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa xã 

Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 17-7 công bố, GDP nửa đầu năm 2023 của nước này đạt 59.303,4 tỷ nhân dân tệ, tăng 5,5% và tăng 1 điểm phần trăm so với quý I. Ông Phó Lăng Huy, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, GDP quý I của Trung Quốc là 4,5%, quý II tăng 6,3%; so với quý I-2023, GDP quý II chỉ tăng 0,8%.

Kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh minh họa: Tân Hoa xã 

Tình hình sản xuất nông nghiệp ổn định, sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi. Nửa đầu năm này, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp (trồng trọt) tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh, 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, hơn 1 điểm phần trăm so với quý I.

Thị trường bán hàng tăng trưởng tốt, đầu tư vào tài sản cố định tiếp tục tăng trưởng. Nửa đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng xã hội tăng 8,2% so với cùng kỳ, nhanh hơn 2,4 điểm phần trăm so với quý I; đầu tư tài sản cố định quốc gia (không kể hộ gia đình nông thôn) tăng 3,8%.

Xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì tăng trưởng, cơ cấu thương mại tiếp tục được tối ưu hóa. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất nhập khẩu thương mại tổng hợp tăng 4%, chiếm tỷ trọng 65,5% trong tổng xuất nhập khẩu, tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố bình quân cả nước là 5,3%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với quý I.

Thu nhập của người dân tăng trưởng ổn định, đạt 19.672 nhân dân tệ, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với quý I; tăng trưởng thực tế là 5,8% sau khi loại trừ các yếu tố giá cả.

“Nhìn chung, trong nửa đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội Trung Quốc hoàn toàn khôi phục hoạt động bình thường, các chính sách kinh tế vĩ mô phát huy hiệu quả, nền kinh tế phục hồi theo hướng tích cực, chất lượng phát triển ổn định. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trước mắt tình hình chính trị – kinh tế thế giới vẫn phức tạp; nền tảng cho sự phục hồi và phát triển của kinh tế vẫn chưa vững chắc” – Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết.

Nhu cầu trong nước được xác định là động lực tăng trưởng

Theo người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Phó Lăng Huy, đánh giá cả năm, mặc dù còn nhiều áp lực và thách thức, nhưng nhờ cải thiện việc làm, thu nhập của người dân tăng lên, nhu cầu trong nước cũng tăng, cơ cấu nguồn cung được tối ưu hóa thì nền kinh tế sẽ phục hồi vững chắc. 

Còn theo Phó chủ tịch Hiệp hội Phân tích Hệ thống Kinh tế và Xã hội Trung Quốc Trương Kiến Bình, nguồn đóng góp quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay là nhu cầu trong nước, tức là tiêu dùng cuối cùng và đầu tư, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định để Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay.

Vương Uẩn – Phó viện trưởng Viện Kinh tế đối ngoại, Học viện Kinh tế vĩ mô Trung Quốc tin rằng để thúc đẩy sự phục hồi và mở rộng tiêu dùng, vẫn cần tập trung vào các điểm chính và đưa ra các biện pháp thiết thực. Hiện nay, người tiêu dùng có nhu cầu tương đối cao đối với mua sắm nhà ở, phương tiện đi lại và tiêu dùng dịch vụ như y tế, du lịch

Về vấn đề việc làm, theo dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, trong nửa đầu năm nay, 6,78 triệu việc làm mới đã được tạo ra tại các thành phố và thị trấn trên cả nước, tăng 240.000 việc làm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp thành thị của Trung Quốc là 5,2%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm việc làm chính ở mức tương đối thấp, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi 25-59 tuổi ở thành thị là 4,1%, thấp hơn so với mức trước dịch Covid-19 năm 2019, thị trường việc làm cơ bản duy trì ổn định. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp độ tuổi 16-24 là 21,3%. 

THANH HƯƠNG (theo Tân Hoa xã, Báo Thanh niên Trung Quốc)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.