Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai sáng 17-7, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết bão số 1 (bão Talim) dự kiến vào vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 10-11, trưa mai đổ bộ cấp 9-10.
Với kịch bản này (khoảng 80%), Talim là bão đổ bộ miền Bắc có cường độ lớn nhất trong 3-5 năm trở lại đây. Khả năng cao bão sẽ vào khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, hoàn lưu bao trùm gần hết Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An, gây mưa rất lớn từ đêm nay đến ngày 20-7. Bắc Bộ mưa khoảng 200-400 mm, có nơi trên 500mm; Thanh Hóa, Nghệ An 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Khả năng thứ hai khoảng 20%, sau khi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), bão sẽ men theo ven biển Trung Quốc và đi vào khu vực biên giới TP Móng Cái với Trung Quốc. Với khả năng này, lượng mưa sẽ ít hơn.
Hiện các đài khí tượng như Nhật Bản, Hải quân Mỹ, Hong Kong đều dự báo hướng đi của bão vào khu vực biên giới Việt – Trung, tuy nhiên cường độ có sự khác nhau. Đài Nhật Bản, Hải quân Mỹ dự báo sức gió mạnh nhất 90km/h, đài Hong Kong là 130km/h.
Do ảnh hưởng của bão số 1, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 – 11, sau tăng lên cấp 12, giật cấp 15. Biển động dữ dội.
Từ khoảng chiều nay (17-7), Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão cấp 10 – 11, giật cấp 14. Biển động dữ dội.
Phạm vi ảnh hưởng của bão số 1 là các tỉnh, thành phố ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình với cường độ gió bão mạnh cấp 9 – 10, sâu hơn trong đất liền các tỉnh, thành phố này có thể có gió mạnh cấp 8 – 9, giật cấp 11 – 12. Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định có gió bão mạnh cấp 7 – 8, giật cấp 10 – 11.
Từ sáng 18-7, đất liền bắt đầu chịu tác động của gió bão, thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ trưa và chiều 18-7.
Dự báo bão số 1 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, tổng lượng mưa từ ngày 18 đến 22-7 có khả năng lên tới 300 – 500mm, có nơi trên 700mm. Mưa cũng mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ nhưng với lượng ít hơn.
Thượng lưu các sông Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An khả năng xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3 – 7m. Đỉnh lũ trên thượng lưu dòng chính sông Lô, Thao, sông Lục Nam, sông Bưởi, sông Hiếu có khả năng ở mức báo động 1 và trên báo động 1, các sông suối nhỏ trên hệ thống sông Đà, Thao, Lô và Thái Bình, sông Bôi, Hoàng Long đạt mức báo động 1 – báo động 2.
Đỉnh lũ lớn nhất đến các hồ chứa trong đợt lũ Tuyên Quang 2.000 – 3.000 m3/s, Thác Bà 1.000 – 1.500 m3/s, Sơn La 3.000 – 4.000 m3/s, Lai Châu 1.500 – 2.500 m3/s, Hòa Bình 3.000 – 4.000 m3/s.
“Nguy hiểm nhất đối với cơn bão này vẫn là tình hình mưa lớn trong và sau bão, đặc biệt đối với các tỉnh vùng núi phía Bắc. Mưa lớn xảy ra sau nhiều ngày mưa dông và nắng nóng liên tiếp vừa qua khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng cao từ ngày 18-7 ở khu vực Bắc Bộ, trong đó nguy cơ cao tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng các tỉnh miền núi phía Bắc và ngập úng tại các khu đô thị ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên”, Giám đốc Mai Văn Khiêm lưu ý.
Giám đốc Mai Văn Khiêm cho hay, hiện toàn bộ hệ thống các trạm quan trắc khí tượng thủy văn của Tổng cục Khí tượng thủy văn đặc biệt là các radar thời tiết ven biển tại khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 1 đang hoạt động ổn định và sẵn sàng quan trắc tăng cường, bổ sung phục vụ dự báo bão số 1.