Tiếp tục vi phạm huy động vốn
Theo đó, vào ngày 8/5/2023, Sở Xây dựng đã có văn bản 6351/SXD-PTN&TTBĐS gửi Công ty Cổ phần Gamuda Land (Gamuda Land) về việc bán nhà ở hình thành trong tương lai với 160 căn hộ của Khu chung cư A5, 1.153 căn hộ của Khu chung cư A6 tại dự án Khu Liên hợp Thể dục thể thao và Dân cư Tân Thắng (Celadon City – phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú).
Tại văn bản này, Sở Xây dựng cho biết các căn hộ nói trên phù hợp quy định về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh. Như vậy những căn hộ không nằm trong danh sách đính kèm tại công văn này cho tới hiện tại vẫn chưa đủ điều kiện mở bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Dù đã có danh sách rõ ràng, nhưng qua tìm hiểu của báo Nhà báo và Công luận, sau thời điểm Sở Xây dựng ra công văn 6351, chủ đầu tư Gamuda Land vẫn gửi yêu cầu đóng tiền tới khách hàng không nằm trong danh sách 160 căn hộ đủ điều kiện mở bán tại Khu chung cư A5.
Đơn cử như vào đầu tháng 6/2023, nhân viên của Gamuda Land vẫn gửi mail yêu cầu gia đình anh H.N – khách hàng mua căn hộ tại khối tháp A2 (không nằm trong danh sách đủ điều kiện mở bán) hoàn thành nghĩa vụ tài chính để nhận nhà. Nếu không hoàn thiện thủ tục để ngân hàng cho vay giải ngân trước ngày 12/6, anh H.N sẽ bị phạt lãi trên số tiền chậm thanh toán.
“Ngoài ra tôi còn bị phía Gamuda Land truy thu số tiền chậm thanh toán của chủ cũ lên tới hơn 120 triệu đồng. Sau này qua trao đổi, phía chủ đầu tư đã giảm số tiền phạt xuống còn hơn 57 triệu. Trong khi đó, những quyền lợi nghĩa vụ phải thực hiện với khách hàng như chậm bàn giao căn hộ thì không thấy Gamuda Land thực hiện, dù tôi đã nhiều lần lên tận nơi để thương lượng với chủ đầu tư”, anh H.N bức xúc.
Đáng nói, vào thời điểm Gamuda Land yêu cầu anh H.N thực hiện nghĩa vụ tài chính và đóng phạt để nhận nhà, Khu chung cư A5 còn chưa được Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình chấp nhận kết quả nghiệm thu để đưa công trình vào sử dụng.
Gamuda Land đang thách thức pháp luật?
Trước đó vào ngày 13/4/2023, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đã ký Quyết định xử phạt số 1426/QĐ-XPHC đối với Gamuda Land. Theo đó, công ty này đã vi phạm khi ký hợp đồng mua bán căn hộ tại khu chung cư A5 khi chưa có văn bản của Sở Xây dựng thành phố thông báo đủ điều kiện bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật.
Căn cứ theo khoản 4, Điều 58 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ, UBND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định xử phạt Gamuda Land 900 triệu đồng về hành vi huy động vốn không đúng quy định.
Đồng thời, Công ty cổ phần Gamuda Land phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là hoàn trả phần vốn đã huy động không đúng quy định. Thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục do công ty này tự chi trả.
Mặc dù án phạt của UBND TP.HCM còn chưa ráo mực, yêu cầu khắc phục hậu quả trong quyết định xử phạt này còn chưa được phía Gamuda Land thực hiện thì chủ đầu tư này đã có hành vi yêu cầu khách hàng ở những căn hộ nằm ngoài danh sách mở bán phải tiếp tục đóng tiền. Phải chăng án phạt của UBND TP.HCM chưa đủ để răn đe với Gamuda Land, khiến chủ đầu tư này tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật một lần nữa?
Bên cạnh đó, hành vi của Gamuda Land cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng. Công văn 6351/SXD-PTN&TTBĐS của Sở Xây dựng cũng được gửi và lưu tại Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM và UBND quận Tân Phú để các đơn vị này có trách nhiệm phối hợp kiểm tra việc bán nhà ở hình thành trong tương lai của Gamuda Land tại Celadon City. Liệu cho tới thời điểm hiện tại, các cơ quan này đã nắm được thông tin nói trên hay chưa và sẽ bị xử lý hành vi của Gamuda Land ra sao? Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, quy định về mua bán, huy động vốn trái phép, chiếm dụng vốn của người mua nhà… đều đã có quy định rõ trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Nhưng với một số doanh nghiệp lớn, việc xử phạt 1 tỷ đồng với hành vi huy động, mua bán khi chưa đủ điều kiện là quá nhỏ so với số tiền doanh nghiệp thu được từ hoạt động huy động trái phép. Điều này dẫn đến hiện tượng nhờn luật, biết trái luật vẫn cố tình vi phạm.
“Để siết chặt hiện tượng huy động vốn trái quy định, bán nhà khi chưa đủ điều kiện, chậm thực hiện giao nhà theo hợp đồng… cần có chính sách chấm điểm năng lực, uy tín và đóng góp của chủ đầu tư với xã hội. Từ đó làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư cho các dự án bất động sản mới”, luật sư Bình cho biết.
Vì vậy cần có cơ chế cấm cửa chủ đầu tư năng lực yếu, cố tình vi phạm pháp luật nơi sở tại, gây ra những rủi ro cho người mua nhà, nguy cơ thất thoát ngân sách, bảo vệ thị trường bất động sản lành mạnh để đưa vào trong luật. Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương thiếu quản lý, giám sát dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng cho người mua nhà.