Hồ Lá Luộc, Dầu Tiếng, T”Nưng, Tà Đùng hay các cảnh miền núi phía Bắc như thung lũng Bắc Sơn, ruộng bậc thang Mù Cang Chải… là 6 trong những điểm du lịch hấp dẫn ba miền Bắc – Trung – Nam, thu hút sự chú ý của du khách.
Cùng với đèo Ngang, sông Gianh là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Sông dài 160 km, bắt nguồn từ ven núi Cô Pi cao 2.017 m thuộc dãy Trường Sơn. Sông Gianh chảy qua các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch và đổ ra biển Đông ở cửa Giang. Lòng sông sâu, lượng nước chảy mạnh, bắt đầu từ rừng núi Trường Sơn hiểm trở, lách núi, xuyên ngàn, tạo ra nhiều ghềnh thác rồi đổ ra biển Đông ở Cửa Gianh. Ảnh: Trần An.
Sông Hàn (Đà Nẵng) là nhánh sông lớn từ thượng nguồn đổ ra biển, chảy men qua đôi bờ phố xá tấp nập, tạo nên một bức tranh hiền hòa, vượt ra khỏi nhịp sống tấp nập của thành phố. Từ đời vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức thứ 21 – 1490) vua định lại bản đồ 13 xứ thừa tuyên trong nước lần cuối, mỗi thừa tuyên được vẽ riêng trên một tấm bản đồ mà về sau thường gọi là “bản đồ Hồng Đức”. Trên đầu bản đồ có ghi hàng chữ lớn: “Thuận Hóa Thừa Tuyên Sơn Xuyên Hình Thể Chi Đồ” có nghĩa là bản đồ hình thể núi sông của thừa tuyên Thuận Hoá. Dòng Sông Hàn ngày nay thuộc về huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, thừa tuyên Thuận Hoá thời xưa. Ảnh: Huỳnh Nam Đông.
Sông Lam dài 361 km, là một trong hai con sông lớn nhất Bắc Trung Bộ. Cùng với núi Hồng Lĩnh, sông Lam được xem là biểu tượng của xứ Nghệ. Hai bên dòng sông có những làng văn hóa của Nghệ An và Hà Tĩnh như Yên Hồ (Đức Thọ), Tiên Điền, Uy Viễn (Nghi Xuân), Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh), Trung Cần, Hoành Sơn, làng Kim Liên (Nam Đàn) tạo nên một vùng văn hóa Lam Hồng. Ảnh: Nguyễn Anh Đức.
Hồ Dầu Tiếng rộng 27.000 hecta là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm ở vị trí tiếp giáp giữa ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước. Công trình được xây dựng từ những năm 1981 và hoàn thành sau 4 năm thi công vào năm 1985. Là nguồn chính điều phối nước sông Sài Gòn, kênh phía Đông, phía Tây, hồ này tưới cho hơn 93.000 ha đất nông nghiệp của Tây Ninh cũng như các tỉnh lân cận. Ảnh: Ngọc Diễm.
Được hình thành từ một miệng núi lửa, hồ nước có vẻ đẹp tự nhiên và thơ mộng T’Nưng (hay còn gọi là Biển Hồ Pleiku hoặc hồ Ea Nueng) nằm ở phía bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Quanh hồ có những chóp chài nhỏ để du khách lên ngắm nhìn cảnh vật. Phóng tầm mắt nhìn hồ T’Nưng mênh mông sông nước, những con sóng dập dình lung linh trong nắng vào mỗi buổi bình minh là điều rất thú vị khi khám phá vùng đất Tây Nguyên này. Ảnh: Trần Thảo Nhi.
Hồ Hàm Kỳ thuộc huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) là hồ nhân tạo cung cấp nước cho nông nghiệp toàn vùng. Vào mùa xuân, khi tiết trời ẩm ướt, nhiều sương giăng và mực nước rút xuống, để lộ những cây khô bị chết do ngập nước, hiện lên mờ ảo, lãng đãng như một bức tranh thủy mặc. Ảnh: Ngọc Vũ.
Cảnh sắc hồ Lá Luộc (xã Cốc San, huyện Bát Xát, Lào Cai) đẹp nhất vào mỗi buổi chiều, lúc này ánh nắng chiếu xuống mặt hồ soi bóng những cành cây khô trơ trọi, cảm giác như đang lạc bước vào khung trời cổ tích xưa. Ảnh: Đinh Yến Hiệp.
Hồ Quan Sơn với tổng diện tích khoảng 850 ha, thuộc địa phận 5 xã của huyện Mỹ Đức (Hà Nội), một phần nhỏ thuộc huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Thắng cảnh này đẹp nên thơ với 20 ngọn núi lớn nhỏ trên mặt hồ, thảm thực vật xung quanh phong phú, xanh mướt bốn mùa tạo cảm giác an yên. Ảnh: Vũ Trung Huân.
Hồ Lắk nằm ở thị trấn Liên Sơn, thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk (cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 60 km). Nguồn cung cấp nước chính của hồ đến từ sông Krông Ana. Vẻ đẹp hoang dại của thác nước trắng xóa và sự trong trẻo của hồ nước mênh mông đã tạo nên một khung cảnh đầy tính nghệ thuật. Nếu đi xe máy từ trung tâm Đắk Lắk, bạn chỉ mất hơn 1 tiếng để có mặt tại địa danh thiên nhiên nổi tiếng này. Với diện tích khoảng 6,2 km2, đây là hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên, đồng thời là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai Việt Nam. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Hồ Tà Đùng thuộc địa phận tỉnh hai Đắk P’lao và Đắk Som nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, là nơi có địa hình độc đáo nhất tỉnh Đắk Nông. Hồ nước này có diện tích rất rộng lớn, khoảng 5.000ha. Do địa hình cắt xẻ mạnh, bên trong hồ nước có khoảng 40 đảo lớn, nhỏ nhấp nhô xen kẽ. Các đảo đều phủ cây cố xanh rì, không khí xung quanh trong lành, mát mẻ.
Hồ Tuyền Lâm rộng 320 ha, nằm gần dãy núi Phượng Hoàng, thuộc phường 4 cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng chừng 7 km về phía Nam. Khu du lịch này nằm không quá xa trung tâm cũng không quá gần khu dân cư, giúp du khách cảm nhận được sự bình yên, đặc biệt là vào mỗi buổi bình minh. Tuyền Lâm còn được bình chọn là một trong 3 hồ nước đẹp nhất tại thành phố mù sương, được bao quanh bởi rừng thông bạt ngàn. Trên mặt hồ còn có những ốc đảo nhỏ nhô ra với đủ loại hình thù độc đáo. Tổng thể khu du lịch tựa như một bức tranh thủy mặc được tạo nên từ màu xanh của mây trời, dòng nước và những đồi thông. Ảnh: Hoàng Hà.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) nằm trải rộng trên diện tích hơn 2.300 ha, tập trung nhiều nhất ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha. Đây là nơi canh tác lúa nước của người Mông và cũng là minh chứng cho sự sáng tạo trong việc canh tác lúa nước thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai và thủy lợi của đồng bào dân tộc miền núi. Ảnh: Bùi Thiên Mai.
Khi ruộng bậc thang Mù Cang Chải được nhuộm bởi màu vàng óng ả của sắc nắng và những bông lúa chín trĩu hạt, ruộng bậc thang vào dịp tháng 9 – 10 mang một gam màu trầm, một vẻ hoang sơ, đúng chất núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn – Đặng Hồng Long.
Để có những thửa ruộng bậc thang, người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái) phải chọn những vùng đất trên triền đồi, sườn núi có diện tích khá rộng, độ dốc vừa phải và vị trí thuận lợi đón nước mưa, nước suối. Ảnh: Đặng Hồng Long.
Xã Bản Phùng nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang khoảng 30 km. Người dân nơi đây gần 100% là đồng bào dân tộc La Chí, cuộc sống có nhiều nét văn hóa đặc sắc còn được lưu giữ khá nguyên vẹn. Mây ở Bản Phùng không dày đặc như ở Mù Cang Chải hay Tà Xùa mà giăng mắc đầy chất thơ. Bản Phùng cũng không có thung lũng rộng như Mường Hoa của Sa Pa, mà ruộng bậc thang ở đây nằm cheo leo trên sườn dốc đứng – liên quan tới tập tính sinh hoạt của cư dân La Chí từ khoảng 800 năm trước. Ảnh Ngọc Vũ.
Cách trung tâm thị trấn Sa Pa từ 7 – 11 km tùy cung đường, bản Lao Chải – Tả Van là hai bản lớn của Sa Pa, Lào Cai, nơi cư trú của đông đảo đồng bào dân tộc như: Mông, Dao Đỏ, Giáy… Nếu đến Lao Chải vào đúng mùa gặt, khoảng tháng 4 hoặc tháng 9, du khách sẽ có cơ hội ngắm bức tranh phong cảnh khổng lồ tuyệt đẹp của vùng núi rừng với những cánh đồng lúa chín vàng rực trên các thửa ruộng bậc thang. Ảnh: Thanh Từ.
Tạp chí Du lịch Thế giới bình chọn thung lũng Bắc Sơn là một trong 10 thung lũng karst đẹp nhất thế giới”. “Địa hình karst là món quà tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng cho người Bắc Sơn. Không chỉ tạo ra sức thu hút trên phương diện du lịch sinh thái, những hang động, cánh đồng, lòng hồ, giếng karst còn có giá trị khảo cổ và văn hóa cao”. Ảnh: Bùi Thuận.
Đỉnh núi Nà Lay là vị trí tuyệt vời để thưởng ngoạn toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn. Phóng tầm mắt trên thảm lúa vàng rực, dễ dàng thấy Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn) với trên 400 hộ người Tày, Nùng sinh sống. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.
Tú Lệ, nằm sát sườn đèo Khau Phạ, là điểm đến quen thuộc với nhiều phượt thủ trên cung đường khám phá Yên Bái. Địa danh này thực chất là một thung lũng nằm ở giữa ba ngọn núi cao trập trùng: Khau Song, Khau Thán và Khau Phạ. Sáng sớm, du khách có thể dậy thật sớm để ngắm bình minh. Mặt trời từ sườn đồi lên trải vàng xuống thung lũng, quyện với mây mờ sương phủ dần tan biến, nhường chỗ cho những ánh nắng mới rực rỡ. Vào mùa nước đổ hay lúa chín, thức dậy sớm đón ánh bình minh là điều tuyệt vời nơi đây. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.
Bản Lìm Mông nằm bên Quốc lộ 32, thuộc xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Có hai thời điểm đẹp du khách nên đến nơi này là tháng 5, tháng 6, mùa đổ nước và khoảng giữa tháng 9 đến tháng 10, mùa lúa chín. Vào tháng 5, tháng 6 những cơn mưa đầu mùa trút nước xuống, nước được dẫn từ trên núi vào các ruộng bậc thang tràn vào các thửa ruộng làm cho đất khô cằn trở nên mềm hơn và nở ra giúp bà con có thể cấy lúa. Vào giữa tháng 9, tháng 10 là khoảng thời gian đẹp nhất của Lìm Mông, khi những thửa ruộng bậc thang được nhuộm vàng óng bởi những bông lúa chín. Ảnh: Viết Mạnh.