Nếu không mua iPhone 14 Pro Max, số tiền 30 triệu mang đầu tư sinh lời thông qua lãi kép sẽ giúp bạn thu về hơn 520 triệu đồng sau 30 năm.
Lạm phát lối sống (lifestyle creep) đề cập đến hiện tượng chi tiêu và mức sống của một cá nhân tăng tỷ lệ thuận với thu nhập của họ. Khi mọi người kiếm được nhiều tiền hơn, họ thường thấy mình không chịu nổi sự cám dỗ của việc sống vượt quá khả năng của bản thân, dẫn đến một chu kỳ tăng chi phí và đối mặt với rủi ro mất an toàn tài chính.
Sự cám dỗ để sống ngoài khả năng và thu nhập của bản thân luôn mạnh mẽ. Việc tiếp xúc thường xuyên với các nội dung về “cuộc sống tươi đẹp” và sự gia tăng “chủ nghĩa tiêu dùng” từ mạng xã hội đã bình thường hóa lối sống lạm phát.
Xu hướng này có thể gây bất lợi cho tình trạng tài chính của một người vì nó cản trở khả năng tiết kiệm và đầu tư cho tương lai của họ. Khi chi phí tăng lên cùng với thu nhập, các cá nhân có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các mục tiêu tài chính dài hạn như tiết kiệm để nghỉ hưu hoặc xây dựng quỹ khẩn cấp. Lạm phát lối sống có thể trì hoãn hoặc thậm chí ngăn cản đáng kể sự tự do và độc lập về tài chính.
Không chỉ người tiêu dùng đại chúng, ngay cả các chuyên gia, nhà hoạch định tài chính cá nhân cũng vướng phải “bẫy” này. Taylor Sohns – nhà hoạch định tài chính được cấp chứng chỉ tại Mỹ – từng “dại dột” mua một chiếc Maserati Gran Turismo để làm xe đi chơi cuối tuần. Ông luôn thích lái chiếc xe này và cảm thấy bản thân đạt được thành tựu khi sở hữu nó, nhưng Taylor không thể phớt lờ thực tế rằng ông là một nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận và quyết định mua sắm trên là một sai lầm.
Ông đã xem xét lại kế hoạch tài chính của mình và đưa số tiền chi cho chiếc xe vào một bảng tính. Taylor phát hiện ra rằng số tiền dành cho chiếc Maserati có thể giúp bổ sung hơn 700.000 USD vào quỹ hưu trí, cho phép ông nghỉ hưu sớm hơn 4,3 năm. Kết quả này là một hồi chuông cảnh tỉnh, khiến Taylor phải đánh giá lại thói quen chi tiêu của bản thân.
Để ngăn lối sống hoang phí làm chệch hướng các mục tiêu tài chính, Taylor Sohns và nhiều nhà hoạch định tài chính cá nhân đã nghĩ ra một quy trình đơn giản nhưng có hiệu quả lớn liên quan đến việc sử dụng công thức tính lãi kép để đánh giá tác động dài hạn của việc mua hàng.
Trước khi xuống tiền cho một sản phẩm và dịch vụ, mỗi người nên áp dụng công thức:
FV = PV x (1 + i)^n
Trong đó, FV là giá trị tương lai, tức số tiền bạn sẽ nhận được nếu không chi tiêu lần này mà chọn đầu tư. PV là giá trị hiện tại, ở đây được hiểu là số tiền dự định mua sắm. i là lãi suất cố định, thường là 7-10% mỗi năm. n là số năm đầu tư theo dự định, thường tính đến thời điểm nghỉ hưu.
Ví dụ, bạn thấy nhiều đồng nghiệp trong công ty đều sử dụng iPhone 14 Pro Max. Tháng này sau khi được tăng lương, bạn dự định dùng 30 triệu đồng để mua. Nếu dùng số tiền trên để đầu tư sinh lời với lãi suất 10% một năm, sau 30 năm, bạn sẽ nhận hơn 520 triệu đồng. Bằng cách sử dụng quy trình này, các cá nhân có thể đánh giá tốt hơn liệu một hàng hóa hay dịch vụ có đáng để hy sinh tiềm năng tăng trưởng tài chính dài hạn hay không.
Ngoài ra, chúng ta có thể tránh lạm phát lối sống bằng cách tập suy nghĩ chậm lại. Phát triển tư duy thận trọng về tài chính liên quan đến việc rèn luyện sự kiềm chế và chánh niệm khi chi tiêu. Việc sắp xếp lại suy nghĩ rằng tiết kiệm luôn hấp dẫn và có tính tác động mạnh mẽ sẽ giúp chống lại chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa tiêu dùng. Nó khuyến khích việc ra quyết định có ý thức liên quan đến chi phí, cân nhắc tác động của việc mua hàng đối với cả sự hài lòng trước mắt và mục tiêu tài chính dài hạn.
Tiểu Gu (theo Entrepreneur)