Doanh nghiệp phục hồi, tạo việc làm cho người lao động
Theo UBND tỉnh Bình Định, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới 586 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 6 nghìn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, giảm hơn 17% về số doanh nghiệp đăng ký và giảm hơn 11% về vốn đăng ký.
Tình hình lao động, giải quyết việc làm, an sinh xã hội trong 6 tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực, đã tạo việc làm mới cho trên 17.000 lao động, đạt gần 60% kế hoạch năm; có gần 600 lao động đi làm việc nước ngoài, đạt 85% kế hoạch, tăng hơn 34% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm là 2,56%, tăng 0,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do các ngành công nghiệp sản xuất gỗ, dệt may, thủy sản… đang gặp nhiều khó khăn, thiếu đơn hàng xuất khẩu, dẫn đến một số doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng nên đã cắt giảm lao động.
Ông Nguyễn Văn Hùng (đơn vị huyện Tuy Phước) cho rằng con số hàng trăm doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể cho thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp đang bất ổn, nhất là doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực thu mua, chế biến, xuất khẩu lâm sản.
Ông Hùng kiến nghị lãnh đạo tỉnh có các giải pháp linh hoạt, khả thi, đồng hành cùng doanh nghiệp để sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.
Bày tỏ sự quan tâm đến tình hình người lao động thất nghiệp, bà Lê Thị Vinh Hương, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy (đơn vị thị xã Hoài Nhơn) đề nghị các ngành chức năng khảo sát để có số liệu thống kê về tình hình lao động, việc làm, thu nhập của lao động trong thời điểm hiện nay.
Đồng thời có giải pháp phân loại, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, định hướng nghề nghiệp để khắc phục tình trạng trên, qua đó chuẩn bị nguồn lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường khi kinh tế khởi sắc trở lại.
Đề xuất miễn, giảm, giãn thuế, phí, tiền thuê đất…
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết với tinh thần đổi mới “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”, đây là lần đầu tiên UBND tỉnh ban hành văn bản giao chỉ tiêu cụ thể đến cấp huyện và có định hướng đến cấp xã và ký giao ước thi đua hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng thừa nhận công tác thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài tuy có nhiều nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với một số công trình, dự án còn chậm. Một số dự án đầu tư, dự án bất động sản lớn bị ngưng trệ, dừng đầu tư hoặc chậm triển khai…
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, dự báo 6 tháng còn lại của năm 2023, tình hình thế giới và trong nước sẽ tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là những biến động về giá cả, thị trường xuất khẩu… sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đời sống và thu nhập của người dân.
Trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp được tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ của Nhà nước về miễn, giảm, giãn thuế, phí, tiền thuê đất, tiếp cận nguồn vốn vay, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… Đôn đốc các nhà máy phát huy công suất, đảm bảo có việc làm cho người lao động.
Tại kỳ họp, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định đề nghị đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, tập trung thảo luận từng nội dung trình kỳ họp. Chất vấn đúng trọng tâm, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua đúng quy định của pháp luật, sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.