Giúp mọi người hiểu ý nghĩa của việc học
Tại Lễ phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức ngày 10/6/2023, Thủ tướng Chính phủ – Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta phải chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt để tạo ra động lực, truyền cảm hứng cho người người học tập, nhà nhà học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập và cả nước học tập. Học tập phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh lực. Học tập để không ngừng hoàn thiện mình về đức, trí, thể, mỹ; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; góp phần nâng cao đời sống người dân. Học tập để sánh vai với cường quốc năm châu; xây dựng đất nước, dân tộc không thua kém một đất nước, dân tộc nào trên thế giới”. Theo đó, việc học tập là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội; “học để chung sống, học để biết, học để làm và học để tồn tại”;…
Dù ở độ tuổi nào, những công dân cũng không ngừng học tập thông qua nhiều hình thức khác nhau
Thời gian qua, Hội Khuyến học huyện Đức Huệ nỗ lực tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích, vai trò, tầm quan trọng của học tập thường xuyên, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đức Huệ – Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết: “Thông qua các cuộc họp, Hội thông tin, tuyên truyền đến từng hội viên về vai trò, vị trí quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ,… Qua đó, hội viên tuyên truyền sâu, rộng đến gia đình và xã hội về những nội dung cốt lõi, nhất là ý nghĩa của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập”.
Ngoài ra, huyện Đức Huệ còn tổ chức hiệu quả hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đài truyền thanh của các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền các sự kiện, người thật, việc thật về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập;… lan tỏa tinh thần, thái độ học tập đến người dân. Đồng thời, huyện nhân rộng các mô hình, cách làm hay, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng và duy trì thói quen tự học, tự bồi dưỡng, ý thức học thường xuyên, học suốt đời của cán bộ, công chức, viên chức, người dân.
Lan tỏa các mô hình học tập
Thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị là nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời. Trong đó, gia đình học tập đóng vai trò quan trọng. Từng thành viên trong gia đình có ý thức về học tập thường xuyên, góp phần xây dựng dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập.
Ông Nguyễn Văn Thành (khu phố Bình Cư 2, phường 6, TP.Tân An) động viên, nhắc nhở cháu nỗ lực học tập
Một trong những gia đình học tập tiêu biểu tại TP.Tân An là gia đình ông Nguyễn Văn Thành (khu phố Bình Cư 2, phường 6) có 5 người con đều tốt nghiệp đại học. Ông Thành trải lòng: “Khi các con còn nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vợ chồng tôi luôn cố gắng nuôi con ăn học đến nơi, đến chốn. Bởi, chúng tôi có quan niệm “dạy con đọc sách thánh hiền, còn hơn để lại bạc tiền đầy kho”. Để làm gương cho các con, tôi cũng không ngừng học tập qua sách, báo, những người xung quanh. Tôi thường xuyên trao đổi với giáo viên để nắm bắt tình hình học tập của các con, từ đó nhắc nhở, động viên các con cố gắng học tập”.
Ngoài ra, ông Thành còn quan tâm việc dạy các con, cháu những điều hay, lẽ phải, cách cư xử, giao tiếp với người thân, thầy cô, bạn bè cũng như ngoài xã hội. Ở tuổi 66, ông vẫn duy trì việc học. Mỗi ngày, ông xem các chương trình thời sự, khoa giáo của Đài Truyền hình Việt Nam rồi ghi chép lại những câu nói hay, kiến thức bổ ích để nâng cao hiểu biết cho bản thân và truyền dạy cho các con, cháu.
Thầy Thành Tấn Phát đọc sách để nâng cao kiến thức
Mô hình mới và mang lại hiệu quả bước đầu là Công dân học tập. Thông qua mô hình này, công dân có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc học tập thường xuyên. Một trong những công dân học tập tiêu biểu của huyện Đức Huệ là thầy Thành Tấn Phát – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hòa Hưng (xã Bình Hòa Hưng). Trong công việc, thầy dành nhiều thời gian đọc, nghiên cứu văn bản, tài liệu liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng chính trị, lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, thầy trau dồi, tự học tiếng Anh cũng như học thêm những kiến thức thuộc lĩnh vực mình yêu thích.
Thầy Phát chia sẻ: “Nếu ngừng học, chúng ta sẽ bị tụt hậu. Do vậy, tôi học mọi lúc, mọi nơi thông qua nhiều hình thức. Tôi cũng lan tỏa tinh thần học tập đó đến gia đình, đặc biệt là con tôi. Tôi cùng học với con mỗi ngày, nói cho con hiểu ý nghĩa của việc học và học tập suốt đời”.
Cùng lan tỏa phong trào xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời, một số quán cà phê có góc sách. Trong đó, góc sách tại quán cà phê Run (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) được nhiều người quan tâm, mượn sách đọc, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Được biết, góc sách là một phần trong ý tưởng hình thành quán cà phê Run của chị Nguyễn Thị Yến Oanh. Bởi, chị mong muốn khơi gợi tình yêu sách, ham thích tìm hiểu kiến thức mới qua sách đến mọi người cũng như hạn chế việc sử dụng điện thoại di động của giới trẻ. Qua 9 năm, góc sách của quán cà phê Run được duy trì và phát triển, đối tượng đọc nhiều nhất là học sinh của các trường lân cận.
Góc sách của quán cà phê Run thu hút nhiều học sinh đến đọc sách
Việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập ngày càng được quan tâm thực hiện tại các địa phương. Từ phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các địa phương nói riêng và cả nước nói chung./.
Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập” năm 2022, tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Bốn chỉ tiêu, gồm: Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; về năng lực cơ bản và trình độ của người dân; về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục; xây dựng các mô hình học tập trong xã hội đều đạt và vượt. Trong đó, các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 đạt 100%; duy trì các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt 100%; duy trì các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 đạt 100%; duy trì các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 đạt 100%;… |
An Nhiên