HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, AP)
CHDCND Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo tầm xa ra vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên với Nhật Bản vào sáng 12-7, vài giờ trước khi các lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản dự kiến có cuộc gặp nhằm thảo luận về các mối đe dọa gia tăng, bao gồm từ Bình Nhưỡng.
ICBM nhiên liệu rắn Hwasong-18 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Theo đánh giá của giới chức Hàn Quốc và Nhật Bản, tên lửa đã bay trong 74 phút lên tới độ cao 6.000km và bay xa 1.000km, điều mà một nguồn tin quốc phòng Nhật mô tả là thời gian bay lâu nhất của một tên lửa Triều Tiên. Được biết, tên lửa được phóng theo góc cao nhằm tránh ảnh hưởng đến các nước láng giềng.
Trong khi đó, các chuyên gia nhận định Triều Tiên có thể đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn Hwasong-18, loại vũ khí rất khó bị phát hiện và đánh chặn so với các ICBM nhiên liệu lỏng khác của nước này. Kể từ năm 2017, Triều Tiên phóng thử nhiều ICBM nhưng tất cả chúng đều sử dụng nhiên liệu lỏng. Do vậy, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mô tả Hwasong-18 là vũ khí hạt nhân mạnh nhất của ông.
Nhật, Hàn phản ứng mạnh
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người đang ở Litva dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã chỉ đạo các quan chức thu thập thông tin và đề phòng những sự việc ngoài dự đoán. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nhấn mạnh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực và cộng đồng quốc tế. Tokyo đã gửi công hàm phản đối Bình Nhưỡng thông qua các kênh ngoại giao tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.
Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc gọi vụ phóng là “hành động khiêu khích nghiêm trọng”. Tại cuộc họp khẩn của hội đồng an ninh ở Litva, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã nói với các quan chức rằng Triều Tiên sẽ phải đối mặt với những hậu quả liên quan vụ khiêu khích này.
Ý đồ của Triều Tiên
Vụ phóng tên lửa trên diễn ra sau khi Triều Tiên trong các ngày 10 và 11-7 liên tiếp lên tiếng cảnh báo không quân Mỹ xâm phạm không phận bên trên Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 11-7 dẫn thông báo từ bà Kim Yo-jong, Phó Trưởng ban Tuyên truyền và Thông tin của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, cáo buộc Mỹ đã điều 1 máy bay trinh sát chiến lược xâm phạm vùng không phận bên trên EEZ của nước này ở vùng biển phía Đông ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, tổng cộng 8 lần trong ngày trước đó và tiến hành hoạt động do thám. Theo bà Kim Yo-jong, lực lượng không quân Triều Tiên đã phản ứng kịp thời và buộc máy bay Mỹ quay đầu. Bà cũng cho biết Bình Nhưỡng có thể sử dụng các biện pháp đáp trả nếu phía Washington còn tái diễn vi phạm. Quân đội Triều Tiên thậm chí dọa sẽ bắn hạ máy bay do thám của Mỹ.
Đáp lại, Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) đã bác bỏ những cáo buộc của Bình Nhưỡng, tuyên bố các chuyến bay trinh sát của lực lượng Mỹ được tiến hành đúng tiêu chuẩn và không xâm phạm lãnh thổ Triều Tiên. Hôm 11-7, người phát ngôn JCS Lee Sung-jun tái khẳng định các lực lượng Mỹ “hoạt động an toàn và có trách nhiệm” trên vùng biển và không phận quốc tế.
Ngoài vấn đề máy bay trinh sát, Triều Tiên còn lên án chuyến thăm Hàn Quốc gần đây của tàu ngầm mang tên lửa hành trình của Mỹ.
“Phát biểu gay gắt của bà Kim Yo-jong đối với máy bay trinh sát Mỹ là một phần trong kế hoạch của Triều Tiên nhằm thổi phồng những mối đe dọa bên ngoài để tập hợp sự ủng hộ trong nước và biện minh cho những vụ phóng thử vũ khí”, Leif-Eric Easley, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ giới Ewha (Hàn Quốc), nhận định. Theo Tiến sĩ Easley, Bình Nhưỡng cũng chọn thời điểm thị uy sức mạnh để cản trở cái gọi là sự hợp tác ngoại giao nhằm chống lại Triều Tiên, mà trong trường hợp này là cuộc họp của các lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản tại hội nghị NATO.
Tuy nhiên, Kim Dong-yub, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, nói rằng vụ phóng hôm 12-7 nhiều khả năng đã được lên kế hoạch từ trước nhằm hoàn thiện các công nghệ của tên lửa Hwasong-18, chứ không phải là phản ứng trực tiếp đối với hội nghị NATO hoặc vụ máy bay do thám của Mỹ.