(BLC) – Tỷ lệ lao động có việc làm quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nâng cao cuộc sống người dân, xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, đưa xã biên giới ngày càng đi lên.
Vượt hơn 50km từ thành phố Lai Châu, chúng tôi về xã Pa Tần. So với nhiều năm về trước, xã đã có sự đổi thay đáng kể, các cửa hàng bán hàng tạp hóa, tiệm làm đẹp, quán ăn, chợ, sửa chữa xe máy, đồ điện tử… đua nhau mọc lên. Không những vậy, đồng ruộng, nương ngô trải dài bát ngát, chăn nuôi phát triển với nhiều mô hình lớn. Đó là nỗ lực của người dân, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo nhiều công ăn việc làm, giúp tăng tỷ lệ lao động nông thôn.
Thời gian qua, xã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cách sản xuất, tận dụng lợi thế của địa phương xây dựng các mô hình kinh tế. Tăng mùa vụ, đưa giống mới vào gieo trồng, khuyến khích người dân tham gia các lớp dạy nghề được mở trên địa bàn. Xã tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, tạo nguồn nhân lực có trình độ phục vụ quê hương. Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng nguồn lao động của địa phương, tạo điều kiện giúp đỡ bà con ở các bản, nhất là người dân ở các bản giáp biên được đi xuất khẩu lao động, làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Đầu tư vào kinh doanh, người dân xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) có việc làm thường xuyên.
Nhận thức nâng lên, bà con các bản của xã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Nhiều hộ còn mở rộng kinh doanh, sản xuất, nhất là các bạn trẻ, tích cực học nghề về mở cửa hàng kinh doanh thương mại, dịch vụ để làm giàu, đến nay trên địa bàn xã có 108 cửa hàng kinh doanh. Ngoài ra, người dân tận dụng lợi thế của địa phương tăng vụ lúa, nương, trồng cây ăn quả, phát triển rừng. Riêng đối với chăn nuôi, xuất hiện nhiều trang trại với hàng trăm, hàng nghìn con gia súc, gia cầm. Hiện nay, toàn xã có 3.700 con gia súc, gần 19.000 con gia cầm.
Anh Lò Văn Đức (bản Pa Tần 3) cho biết: Được xã vận động, tôi đi học nghề rồi về mở cửa hàng buôn bán, chế tạo các vật dụng dùng trong gia đình từ nhôm, kính. Tôi còn thuê 2 đến 3 công nhân giúp việc, tạo việc làm cho người dân trong bản. Đến nay, sản xuất thuận lợi, cuộc sống gia đình khá giả.
Người dân trong xã đoàn kết, giúp đỡ nhau giảm nghèo, hộ khá giúp đỡ hộ khó đi lên. Hàng năm, xã tiến hành rà soát số người trong độ tuổi lao động để tạo điều kiện giúp người dân có công việc thường xuyên, phối hợp với các ban, ngành của huyện mở các lớp dạy nghề hàng năm để truyền thụ kiến thức, khoa học kỹ thuật, giúp bà con áp dụng vào sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, xã phối hợp với các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn sử dụng nguồn lao động địa phương vào làm các công việc như: công nhân xây dựng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhân viên bảo vệ, tạp vụ… người nào có trình độ cao hơn thì làm các công việc: kỹ thuật, sửa chữa máy móc. Xã thường xuyên tìm hiểu thông tin về việc tuyển dụng lao động ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh, khuyến khích người dân tham gia để nâng cao thu nhập cho bản thân. Hiện nay, số lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn xã là 2.662 người, chiếm 47,7% dân số toàn xã.
Anh Sìn Văn Vấn – Chủ tịch UBND xã nhận định: Lao động có việc làm thường xuyên góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 31,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 32,1 triệu đồng (số liệu đến hết năm 2022). Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn.