Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) xung quanh các hình thức xuyên tạc về chủ quyền quốc gia của Việt Nam như “đường lưỡi bò” rất tinh vi, len lỏi vào nhiều loại hình văn hóa.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh các bộ phim nước ngoài hay sản phẩm văn hóa, du lịch, ứng dụng công nghệ, sách… có bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đã xảy ra từ lâu.
Đây là việc làm không tôn trọng dân tộc, văn hóa truyền thống của Việt Nam, đồng thời gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia của Việt Nam, tinh thần yêu nước, an ninh văn hóa.
Theo ông Sơn, bảo vệ chủ quyền văn hóa là nhiệm vụ cấp bách của việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Việc vi phạm và xâm phạm lãnh thổ qua các bộ phim nước ngoài sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh của quốc gia.
Vì vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần triển khai thật tốt quy định mới của Luật Điện ảnh (sửa đổi) để hạn chế tối đa việc tái diễn sử dụng các bản đồ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như “đường lưỡi bò”.
Đồng thời thúc đẩy việc tạo ra một môi trường nghệ thuật và truyền thông trung thực, tôn trọng và tôn vinh văn hóa, chủ quyền Tổ quốc.
Phải ngăn chặn ngay từ đầu
* Thời gian qua, dư luận bức xúc việc nhiều bộ phim bị cơ quan chức năng cấm phát hành, yêu cầu gỡ bỏ vì có “đường lưỡi bò”.
Hay loạt sản phẩm, ấn phẩm từ sách, bản đồ, ứng dụng trên ô tô, hộ chiếu… bị cài cắm tinh vi hình ảnh phi pháp này. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp sử dụng bản đồ Việt Nam nhưng lại thiếu hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
– Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều bộ phim, ấn phẩm liên quan văn hóa… có cài cắm bản đồ “đường lưỡi bò” và không chỉ ở phạm vi Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.
Ngoài Việt Nam, nhiều nước có liên quan cũng đều lên tiếng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ vấn đề này. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, đơn vị khi sử dụng bản đồ Việt Nam lại thiếu đi hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong vấn đề này, có thể thấy thứ nhất đó là sự thiếu hiểu biết về lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Một số người không có ý thức về những sự kiện lịch sử và biểu tượng quan trọng trong văn hóa Việt Nam.
Thứ hai là thiếu thông tin và giáo dục. Thiếu thông tin chính xác và giáo dục về văn hóa và chủ quyền lãnh thổ khiến nhiều người không nhận thức đúng về việc sử dụng biểu tượng như “đường lưỡi bò” phi pháp.
Thứ ba là thiếu tôn trọng và không nhạy cảm. Một số người không nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tôn trọng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia.
An ninh văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh quốc gia, đồng thời thể hiện mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa, nghệ thuật. Xu hướng thể hiện bản đồ “đường lưỡi bò” trên các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, ứng dụng công nghệ… thực sự rất nguy hiểm.
Nếu không bị ngăn chặn, dỡ bỏ ngay từ đầu sẽ tạo ra những tiền lệ về sau, trở thành một bằng chứng xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
* Cơ quan chức năng liên tiếp có “lệnh cấm”, yêu cầu gỡ phim trên các nền tảng trực tuyến vì có yếu tố “đường lưỡi bò”.
Tuy nhiên, vừa qua bộ phim Flight to you (Hướng gió mà đi) có cảnh “đường lưỡi bò” ở nhiều tập nhưng vẫn được nhà phân phối cho chiếu, thậm chí chỉ làm mờ hình ảnh. Đây có phải là sự coi nhẹ một vấn đề rất quan trọng?
– Tôi nghĩ rằng đây là một hành động thiếu nhạy cảm từ kênh phân phối. Đối với người dân Việt Nam, vấn đề liên quan bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp hết sức được quan tâm. Vì vậy, bất cứ hình ảnh nào liên quan đến chủ đề này sẽ nhận được phản ứng, phản đối từ phía khán giả.
Việc kênh phân phối chỉ làm mờ mà vẫn chiếu phim có thể có lý do riêng như muốn duy trì mạch phim hay một lý do nào đó, nhưng đây lại là chi tiết thể hiện sự không tôn trọng đến tình cảm khán giả, chủ quyền của Việt Nam. Vấn đề này cần chấn chỉnh để từ sau có những bài học kinh nghiệm đối với các phim khác.
Cần sự giám sát của toàn xã hội
* Trách nhiệm trong vấn đề này thuộc về ai, thưa ông?
– Việc các sản phẩm văn hóa chứa nội dung vi phạm vào Việt Nam có thể bắt nguồn từ sự quản lý chưa chặt chẽ của một số cơ quan quản lý đứng đầu. Cũng cần lưu ý rằng quản lý và kiểm soát nội dung văn hóa là một vấn đề phức tạp và có thể gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Các cơ quan quản lý trong việc duyệt và kiểm duyệt các sản phẩm văn hóa ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm đảm bảo rằng các nội dung được phát sóng hoặc trình chiếu phù hợp với quy định, pháp luật.
Tuy nhiên, cũng cần hiểu và thông cảm với các cơ quan chức năng rằng cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và Internet, việc kiểm soát nội dung trở nên khó khăn hơn không chỉ ở Việt Nam mà với tất cả các nước.
Có rất nhiều nguồn cung cấp nội dung từ nước ngoài và không phải tất cả đều được kiểm duyệt trước khi được phát hành.
Chúng ta cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ cả các cơ quan quản lý và toàn xã hội, nhất là cộng đồng mạng, để tình trạng cài cắm những hình ảnh như “đường lưỡi bò” vi phạm chủ quyền này sớm chấm dứt.
* Trong thời gian tới, theo ông, cần có những giải pháp mạnh mẽ nào để kiểm soát, xử lý vấn đề này?
– Để có sự kiểm soát tốt hơn về sản phẩm văn hóa chứa bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp, chúng ta cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp.
Trong đó, điều đầu tiên cần triển khai thực hiện nghiêm Luật Điện ảnh (sửa đổi). Trong đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thực thi các quy định pháp luật liên quan đến nội dung văn hóa và truyền thông, đặc biệt là hậu kiểm với phim chiếu trên không gian mạng.
Các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan văn hóa, truyền thông ở các địa phương cần nắm vững vai trò, trách nhiệm của mình trong quản lý, kiểm soát nội dung văn hóa có liên quan đến chính trị, chủ quyền quốc gia. Cần tập trung và tăng cường nguồn lực để thực hiện công tác này một cách hiệu quả.
Cùng với đó, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý và kiểm soát. Các cơ quan quản lý nhà nước cần cùng nhau làm việc để tạo ra một hệ thống kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn. Thông qua việc chia sẻ thông tin, tăng cường sự tương tác và hợp tác, các cơ quan có thể cùng nhau phát hiện và ngăn chặn sự lan truyền của các sản phẩm văn hóa vi phạm.
Ngoài ra, cần tạo ra môi trường tác động tích cực từ phía công chúng bằng cách mỗi cá nhân trong xã hội cần nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền văn hóa, lãnh thổ của đất nước từ sớm, từ xa.
Đồng thời tăng cường nhận thức và giáo dục cho công chúng để ngăn chặn sự lan truyền của các sản phẩm văn hóa vi phạm. Tăng cường công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cho công chúng về tác động của những sản phẩm văn hóa, nhất là về vấn đề chủ quyền, lãnh thổ.
Tuoitre.vn