Trả lời VTC News, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và Xây lắp dầu khí (Hà Nội), doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, giá xăng dầu trên thị trường thế giới vừa qua đã tăng vọt lên mức cao nhất 9 tuần. Tình hình này khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong kỳ điều hành chiều 11/7 có thể tăng nhẹ.
“Dự báo giá xăng tăng 200 – 300 đồng/lít, giá các loại dầu cũng sẽ tăng tương tự. Trường hợp liên Bộ Công Thương – Tài chính trích quỹ bình ổn thì giá bán lẻ xăng dầu có thể tăng cao hơn, ở mức 300 – 500 đồng/lít”, bà Hường nêu ý kiến.
Giá xăng dầu hôm nay được dự đoán sẽ tăng nhẹ.
Hiện giá bán các loại xăng dầu đang được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 3/7 của liên Bộ Tài chính – Công Thương. Theo đó, giá xăng giảm 408 đồng/lít, không cao hơn 20.470 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 587 đồng/lít, không cao hơn 21.428 đồng/lít.
Trên thị trường thế giới lúc 6h30 ngày 11/7, giá dầu WTI giao dịch ở mức 73,57 USD/thùng, giảm nhẹ 0,06 USD/thùng trong khi đó dầu Brent giao dịch mức 78,43 USD/thùng, tăng 0,25 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Giá dầu dao động nhẹ trong bối cảnh nhận được dữ liệu kinh tế yếu kém từ những thị trường tiêu dùng hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc.
Dữ liệu việc làm của Mỹ vào thứ Sáu tuần trước đã chỉ ra mức tăng việc làm nhỏ nhất trong hai năm rưỡi nhưng tiền lương lại tăng mạnh. Các số liệu cũng củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 7 này.
Giá tại cổng nhà máy của Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 7 năm vào tháng 6/2023, dữ liệu của chính phủ cho thấy hôm thứ Hai, do sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại. Tuy nhiên, giá dầu thô có thể tăng trở lại sau khi nhóm sản xuất OPEC+ công bố kế hoạch giảm nguồn cung hơn nữa, Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết.
Giá dầu chuẩn đã tăng hơn 4% vào tuần trước, chạm mức cao nhất kể từ tháng 5, tăng tuần thứ hai liên tiếp sau khi các nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, Ả Rập Saudi và Nga, cam kết cắt giảm sâu nguồn cung trong tháng 8.
Nguồn VTC