Được biết, bơi thủy liệu là phương pháp bơi nổi (thường dùng phao ở cổ), sử dụng lực đẩy của nước để massage, kích thích bé vận động nhẹ nhàng. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp duy nhất giúp kích thích bé phát triển và dễ gây mất an toàn nếu không được hướng dẫn và thực hiện bởi chuyên gia y tế hay người có chuyên môn.
Phản xạ bơi lặn tự nhiên ở trẻ sơ sinh
Giải thích cơ chế của phương pháp bơi thủy liệu, thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Trọng Tín (Phòng khám Nhi khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3) cho biết khi sinh ra, cơ thể em bé vẫn còn phản xạ bơi lặn tự nhiên.
Dù phản xạ này sẽ mất đi bởi quá trình biến đổi về thể chất cũng như tác động từ môi trường, tuy nhiên đối với trẻ từ sơ sinh đến khoảng 6 tháng tuổi thì cơ chế này vẫn còn. Hiểu được điều này, tại một số các quốc gia phương Tây, họ thường cho trẻ tiếp xúc rất sớm với nước.
Lợi ích theo khoa học của bơi thủy liệu
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trọng Tín, bơi thủy liệu hiện nay cũng là phương pháp đem lại những lợi ích nhất định cho sự phát triển và sức khỏe của trẻ. Một trong những lợi ích đáng kể của bơi thủy liệu là khả năng kích thích phản xạ bơi lội, làm cho trẻ thích nghi để có thể dễ dàng học bơi sau này.
Bên cạnh đó, môi trường nước trong bể bơi thủy liệu cung cấp áp lực và chuyển động, tạo ra một sự kích thích cho các hệ tiêu hóa, tuần hoàn và hô hấp của trẻ. Những khu vực này được kích thích trong quá trình bơi, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và tăng cường thể chất của trẻ.
Phương pháp an toàn hơn để giúp trẻ trưởng thành toàn diện
Dù có một số lợi ích nhất định, nhưng các báo cáo tai nạn xảy ra khi bơi thủy liệu, hoặc tình trạng đuối nước khi học bơi cũng xảy ra không ít.
Khi áp dụng vào thực tế Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Trọng Tín khuyến nghị cha mẹ nên đặc biệt cẩn trọng, bởi việc chọn được một nơi uy tín để con thực hành bơi thủy liệu vừa đảm bảo an toàn, đồng thời vừa đạt được những hiệu quả mong muốn cũng không đơn giản.
Vì vậy ngoài bơi thủy liệu, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn có những phương pháp khác giúp kích thích sự phát triển thể chất và giác quan để có được sự trưởng thành toàn diện.
“Khi vừa mới sinh ra, não bộ con người đã liên tục học hỏi từ môi trường xung quanh mà các giác quan chính là các “cửa ngõ” tiếp nhận thông tin bao gồm thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác. Tùy vào mỗi độ tuổi của trẻ mà các giác quan sẽ phát triển dần dần hoàn thiện. Việc học thông qua nhìn từ mắt, nghe từ tai, ngửi mùi của môi trường xung quanh, nếm vị sữa và thức ăn, đặc biệt là sờ chạm ở các vị trí khác nhau sẽ liên tục kích thích não bộ không ngừng học hỏi của trẻ”, bác sĩ Tín giải thích.
Bác sĩ Tín chia sẻ thêm: “Các bậc phụ huynh có thể giúp con mình phát triển và học hỏi từ rất sớm thông qua việc bồng ẵm, xoa bóp, chơi cùng con, cùng con cầm nắm đồ vật để kích thích các giác quan, hát cho con nghe, nói chuyện cùng con để kích thích cảm nhận thính giác, mở rộng không gian tiếp xúc môi trường của con, giúp con thấy được nhiều màu sắc hình ảnh hơn,… Tất cả những hoạt động trên không những an toàn và hiệu quả giúp trẻ phát triển tốt, mà còn giúp gắn kết tình cảm giữa trẻ và cha mẹ”.
Đâu là tuổi học bơi an toàn?
Cha mẹ cũng cần lưu ý rằng bơi thủy liệu chỉ mới là quá trình trẻ tiếp xúc và học làm quen với nước, còn việc học bơi là một bước tiến xa hơn khi trẻ lớn hơn.
Thông tin từ nghiên cứu của Viện hàn lâm nhi khoa Mỹ (American Academy of Pediatrics) cũng cho hay việc học bơi cho trẻ chỉ nên bắt đầu khi trẻ từ 4 tuổi trở lên.
“Tóm lại, bơi lội là một hoạt động đem lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể. Việc tiếp xúc sớm với môi trường nước ở trẻ cũng sẽ đem lại nhiều lợi ích về phát triển thể chất lẫn tâm lý cho trẻ. Tuy vậy, cần kiểm soát tính an toàn của quá trình tiếp xúc với nước này nhằm tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc”, bác sĩ Nguyễn Trọng Tín cho hay.