Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng để làm động lực dẫn dắt
Trong quá trình xây dựng, phát triển, nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây, Quảng Ninh luôn được Trung ương xác định là tỉnh có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tỉnh đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào trong phát triển kinh tế – xã hội, đáp lại niềm tin, kỳ vọng của Trung ương. Tuy nhiên với tư duy luôn đổi mới, sáng tạo, khát vọng vươn xa, Quảng Ninh chưa khi nào sớm hài lòng với những kết quả đạt được, mà luôn không ngừng nhận diện những hạn chế, thách thức để có những kế hoạch, mục tiêu phát triển mới. Tỉnh nhận định rõ, các dự án hạ tầng trước đây chủ yếu là những dự án giao thông tại các trung tâm kinh tế phát triển của tỉnh. Trong khi tỉnh có diện tích lớn, nhiều khu vực còn xa trung tâm, kết cấu hạ tầng vẫn còn những bất cập, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông mang tính chiến lược. Vì thế nhiệm vụ phát triển đột phá, đồng bộ hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược trên toàn địa bàn tỉnh vẫn là mục tiêu tỉnh ưu tiên thực hiện.
Kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hình thức đối tác công – tư (PPP) để hoàn thiện hệ thống các công trình giao thông trọng điểm, chiến lược, nổi bật là: Đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái, cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, Cảng cao cấp Ao Tiên… Nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm khác đã khởi công và hoàn thành trong giai đoạn trước, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long… Quảng Ninh hiện là địa phương có số km cao tốc lớn nhất nước; hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại ở tất cả các loại hình đường bộ, đường thủy, đường hàng không…, tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển và tạo ra nguồn lực mới.
Năm 2023, nhiều công trình, dự án hạ tầng trọng điểm đã được tỉnh triển khai, nhiều công trình đang trong quá trình hoàn thành, như: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 thuộc địa phận huyện Ba Chẽ; đầu tư nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh; đường nối từ cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đến Cảng Vạn Ninh; đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều (đường ven sông); Cầu Cửa Lục 3…
Bên cạnh huy động nguồn lực đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, các hệ thống hạ tầng khác của tỉnh cũng đã và đang được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới. Hạ tầng các KCN, KKT tiếp tục được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện để triển khai các kế hoạch thu hút đầu tư, hình thành các trung tâm kinh tế trọng điểm, động lực. Hạ tầng đô thị được chỉnh trang văn minh, hiện đại, sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn, hướng tới mô hình đô thị thông minh. Các hạ tầng xã hội thiết yếu, như y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, thể thao… được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Hạ tầng viễn thông và CNTT cơ bản bảo đảm phục vụ tốt việc vận hành, sử dụng các ứng dụng phục vụ tiến trình chuyển đổi số toàn diện và nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân…
Bằng việc huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đến nay, Quảng Ninh là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước (đạt 65,5%); sở hữu hạ tầng giao thông tốt nhất miền Bắc với đa loại hình (đường bộ, đường biển, đường hàng không) với gần 200km đường cao tốc (chiếm 10% số km cao tốc toàn quốc); cảng hàng không quốc tế, cảng tàu chuyên biệt đầu tiên trong nước được đầu tư từ nguồn xã hội hóa…
Giữ vững thương hiệu năng lực cạnh tranh
Bên cạnh đột phá về hạ tầng đồng bộ, hiện đại là dấu ấn đậm nét trong đột phá về CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của Quảng Ninh. Trải qua một thời gian bền bỉ phấn đấu nỗ lực không ngừng, tỉnh đã xây dựng thành công và đang giữ vững được thương hiệu là địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; có nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực sự phục vụ người dân, doanh nghiệp; trở thành một trong những điểm sáng của cả nước trong thu hút đầu tư.
Từ nền móng vững chắc với hàng loạt cải cách mang tính tiên phong, đột phá và quan điểm xuyên suốt “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên”, năm 2022 Quảng Ninh đã xác lập kỷ lục 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí quán quân năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, 10 năm liền (2013-2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; lần thứ 2 xuất sắc đứng đầu ở cả 4 bộ chỉ số: PCI, PAR Index, PAPI và SIPAS. Thành tích đó cho thấy những nỗ lực cải cách, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ của tỉnh trong việc xây dựng thương hiệu “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”.
Tỉnh xác định, giữ vững vị trí nhóm dẫn đầu đối với các chỉ số cải cách không chỉ là giành điểm số, vị trí cao, mà quan trọng nhất là hướng đến xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu đổi mới sáng tạo; xây dựng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi của chính quyền địa phương; kiên định tư duy “chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ” với tinh thần “5 thật” và “6 dám”. Tỉnh mạnh dạn thí điểm áp dụng nhiều mô hình quản trị mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong thực hiện cung cấp các dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân và xã hội với chất lượng ngày càng tốt hơn. Đồng thời chủ động mở rộng kết nối, trao đổi thông tin, tăng cường tương tác thường xuyên giữa chính quyền các cấp với người dân và doanh nghiệp; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng, đặc biệt là trong tiếp cận các nguồn lực.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã đón được trên 20 đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư đến nghiên cứu, trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh. Quý I/2023 tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án, tổng vốn đăng ký 8.038 tỷ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2022; cấp mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 11 dự án vốn trong nước, tổng vốn đăng ký 2.712 tỷ đồng; tổng vốn thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt 10.750 tỷ đồng, trong đó thu hút vào các KCN, KKT khoảng 493,8 triệu USD, đạt 41,3% kế hoạch năm 2023. Quý I/2023 với tăng trưởng GRDP ước đạt khoảng 8,06%, thu ngân sách ước đạt trên 14.870 tỷ đồng, Quảng Ninh tiếp tục nằm trong top đầu cả nước và là điểm sáng của phía Bắc, khẳng định đà phát triển của một địa phương năng động, sáng tạo, đột phá.
Giải bài toán nguồn nhân lực
Một trong những khâu đột phá chiến lược đang được Quảng Ninh ưu tiên dồn lực tập trung thực hiện trong giai đoạn hiện nay là phát triển nguồn nhân lực, gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Điều này được thể hiện rõ nét ở những cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã và đang được tỉnh triển khai, như: Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh; kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg (ngày 28-1-2022) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; cùng nhiều đề án, như: Phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông giai đoạn 2023-2025; phát triển giáo dục mầm non tư thục tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030…
Tỉnh triển khai hàng loạt cơ chế, chính sách để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, như: Thu hút, hỗ trợ học tập đối với sinh viên học các chuyên ngành phục vụ sự phát triển của tỉnh; ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo với các trường đại học hàng đầu Việt Nam và quốc tế để liên kết đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của tỉnh, tăng cường đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang cần; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ cho CBCCVC, người dân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT để phục vụ tiến trình chuyển đổi số…
Với nhiều giải pháp đồng bộ, nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản duy trì được tốc độ phát triển hợp lý về số lượng và chất lượng. Quy mô nguồn nhân lực của tỉnh hiện có gần 800.000 người (tăng 8,2% so với năm 2015). Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt gần 50%…
Bên cạnh nguồn lực nội tại, tỉnh bắt đầu triển khai cơ chế thu hút người tài ở lại tỉnh lâu dài, trở thành công dân Quảng Ninh để cống hiến, sáng tạo bằng Đề án Phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành Than, KCN; tạo quỹ đất phát triển quỹ nhà ở với giá cả phù hợp, đủ sức cạnh tranh nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh…