Chỉ cần vài trái sầu riêng chín là hương thơm nồng nàn sầu riêng lan tỏa cả một vùng. Mùa này về Đa Mi, Hàm Thuận Bắc hay lên Tà Pứa thuộc Tánh Linh, Đức Linh chỉ cần đi ngoài đường là đã nghe mùi sầu riêng…
Ở Bình Thuận hiện có 3 vùng đặc trưng trồng được sầu riêng cho sai trái vừa có chất lượng cao để xuất khẩu là Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh. Toàn tỉnh ước có khoảng 2.500 ha sầu riêng, trong đó gần 2.000 ha trong thời gian thu hoạch với năng suất 10 – 16 tấn/ha. Vùng trồng sầu riêng nhiều nhất là 4 xã vùng cao Hàm Thuận Bắc Đa Mi, Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ ước trên 1.000 ha. Còn lại các xã từ La Ngâu đến Đức Phú ( Tánh Linh) và Mé Pu đến Tân Hà ( Đức Linh) khoảng 1.500 ha. Cũng như nhiều nhà vườn thanh long, dân trồng sầu riêng ở các vùng trong tỉnh hiện nay đang tham gia vào hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để xây dựng thương hiệu sầu riêng theo vùng với mã đăng ký để xuất khẩu. Theo Sở Nông Nghiệp – PTNT, ước hiện có trên 100 hộ trồng sầu riêng tham gia vào các tổ chức sản xuất với gần 400 ha sầu riêng đang thu hoạch để đăng ký mã vùng xuất khẩu.
Giữa tháng 7, giá sầu riêng tăng đột ngột từ 50.000 đồng – 55.000 đồng/kg lên 80.000 đồng – 95.000 đồng/kg (tùy loại), tạo phấn khởi cho nhà vườn trồng sầu riêng. Anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Đa Tro, xã Đa Mi cho biết: Giá sầu riêng năm nay mặc dù tăng nhưng không bằng năm trước ở vào mùa nghịch vụ. Tuy nhiên, với giá nằm ở mức 40.000 đồng/kg là người trồng đã có lãi. Còn ở mức 90.000 đồng/kg vào chính vụ là nông dân lãi đậm. Trên thực tế không phải nhà vườn nào cũng bán được số lượng nhiều với giá sầu riêng 80.000 đồng – 95.000 đồng/kg như hiện nay. Nguyên nhân là khi sầu riêng bắt đầu vào mùa thu hoạch nhiều nhà vườn đã thỏa thuận hoặc ký hợp đồng với tư thương bao tiêu trọn gói sản lượng cả vườn với mức giá thấp hơn thị trường. Dân làm vườn gọi là “bao sô”, tức là mua cả hàng tốt và hàng dạt, giá “bao sô” thời điểm cuối tháng 6 là 42.000 đồng/kg – 52.000 đồng/kg tùy chất lượng sầu riêng của mỗi vườn. Theo tìm hiểu của phóng viên, dù đã có thỏa thuận hoặc ký hợp đồng với tư thương, đầu mối gom sầu riêng để cung ứng ra thị trường hoặc xuất khẩu. Nhưng khi sầu riêng tăng giá lên gấp đôi thì tư thương vẫn nâng giá lên cho nhà vườn. Anh Nguyễn Hiếu ngụ xã Măng Tố có vườn sầu riêng gần 5 ha ở vùng Tà Pứa, cho hay: Nhà mình thỏa thuận bán sô cho đầu mối gom hàng giá 52.000 đồng/kg ở thời điểm cuối tháng 6. Khoảng 10 ngày sau giá lên 95.000 đồng/kg, tư thương đồng ý tăng lên gần 65.000 đồng/kg cho gia đình mình. Giá lên, bán không được theo giá thị trường như mong muốn nhưng vì đã có thỏa thuận trước nên trong làm ăn nhà vườn vẫn giữ uy tín với tư thương để vụ khác còn làm ăn với nhau, bởi giá lên thì cả 2 bên đều có lợi. Còn giá xuống thấp thì bên nào cũng bị thiệt….
Thời điểm này nhiều vườn sầu riêng chín rụng vào mỗi tối, thơm phức. Đây cũng là thời điểm nhiều khách du lịch tìm đến các vườn cây ăn trái để tham quan. Có nơi đãi khách bằng “cây nhà lá vườn” bằng sầu riêng chín rụng…Có một điều đáng lưu ý là hiện nay, không chỉ riêng Bình Thuận mà một số tỉnh thành khác thấy giá sầu riêng tăng cao nông dân đã chặt bỏ một số loại cây khác để trồng sầu riêng, khiến diện tích sầu riêng tăng lên từng ngày. Việc tăng diện tích sầu riêng sẽ phá vỡ quy hoạch cây trồng và thiếu sự an toàn bởi thị trường xuất khẩu chủ yếu vào Trung Quốc nên tránh sự lập lại như trái thanh long….