Hiện nay, các cơ quan báo chí được giao tự chủ, tự hạch toán, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2021).
Tự chủ tài chính sẽ đi liền với tự chịu trách nhiệm, tạo sự năng động và tự chủ trong quản lý. Sự tự chủ ngay từ đầu đã thành động lực cho lãnh đạo các cơ quan báo chí năng động, lăn xả vào việc đưa sản phẩm báo chí của mình ra thị trường, từ đó nâng cao năng lực quản lý.
Nhiều cơ quan báo chí dựa vào cơ chế này mà phát triển báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, phát triển nhiều sản phẩm báo chí trên nền tảng số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số. Giúp mở rộng số lượng khách hàng, nâng cao sự trải nghiệm cho công chúng.
Với quyền tự chủ của mình, các cơ quan báo chí đã tự sắp xếp bộ máy, tự tổ chức công việc, sử dụng lao động theo khả năng tài chính của cơ quan mình. Các cơ quan báo chí này một mặt hoạt động theo tôn chỉ mục đích của mình, một mặt phải “thỏa mãn” nhu cầu thị trường – doanh nghiệp để có nguồn thu nuôi lại chính đơn vị mình. Nguồn thu chủ yếu từ quảng cáo, bán báo/tạp chí, phí đăng bài báo khoa học, liên kết tổ chức sự kiện. Một số cơ quan báo chí thực hiện đơn đặt hàng của các chương trình tuyên tuyền của Chính phủ, bộ, ban, ngành, địa phương…
Trong thời gian qua, các Tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam đã có nhiều cơ quan làm tốt việc phổ biến kiến thức chuyên ngành, làm cầu nối tư vấn phản biện xã hội từ đội ngũ đông đảo các nhà khoa học. Các cơ quan báo chí này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí, đưa nhanh tiến bộ khoa học vào sản xuất đời sống, đóng góp vào việc đẩy lùi tiêu cực. Tuy nhiên thực tế cho thấy, tự chủ tài chính cũng đặt ra những thách thức không hề nhỏ cho các tạp chí khoa học.
Nhà báo Trần Thị Giang – Phó Tổng Biên tập, Thư ký tòa soạn Tạp chí Tự động hóa ngày nay cho biết, đến thời điểm này, ít tạp chí đảm bảo thu bù chi, hoặc chỉ đảm bảo được ở mức tối thiểu. Điều này dẫn đến thiếu đội ngũ làm báo thực sự giỏi. Thiếu tiềm lực tài chính nên dẫn đến việc thiếu một loạt các điều kiện cần thiết cho việc sản xuất sản phẩm báo chí có chất lượng cao, chuyển đổi số báo chí.
Nhà báo Trần Thị Giang phân tích, để việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính được hiệu quả các sản phẩm báo chí ấy cần hấp dẫn độc giả nghiên cứu về chiều sâu, thông tin của loại hình báo chí ấy phải theo kịp sự phát triển của tri thức, trình độ dân trí trong xã hội đó. Nhưng nếu thông tin khoa học quá hàn lâm và thiên về lý thuyết thì sẽ bị thu hẹp lượng độc giả, đồng nghĩa với việc số lượng phát hành hạn chế. Việc đổi mới nội dung thông tin trên các sản phẩm báo chí cần đồng thời triển khai công tác phát hành hiệu quả.
“Muốn có được tác phẩm báo chí hay, “nóng”, muốn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của nghề báo thì một trong những yêu cầu của người làm báo là phải có tính chủ động sáng tạo trong tác nghiệp. Đó là biết lắng nghe hơi thở của cuộc sống, biết phát hiện ra vấn đề công chúng quan tâm để có đề tài hay, thông tin tốt. Nhưng bên cạnh năng lực chuyên môn thì cũng cần có đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị và nguyên tắc hoạt động nghề nghiệp để tránh sai sót, sai phạm” – nhà báo Trần Thị Giang chia sẻ.
Thực tế cho thấy, việc đầu tư nội dung nhằm tăng độ phủ của thương hiệu tạp chí cùng các ấn phẩm song hành, từ đó tạo ra nguồn thu giá trị gia tăng. Ở những tòa soạn không có bộ phận truyền thông riêng, cho dù tòa soạn không có chủ trương, thì mỗi phóng viên, nhà báo vì tâm huyết với sự sống còn của tòa soạn sẽ “một gánh hai vai”, vừa làm công tác chuyên môn, vừa tranh thủ vận động đối tác cùng cộng đồng chia sẻ, nâng cấp cách truyền tải, nhằm tạo ra hiệu ứng và hiệu quả thông tin mạnh mẽ hơn.
Đã có nhiều tạp chí có những đổi mới về phát triển nâng cao chất lượng nội dung đi cùng với việc mở rộng các kênh phát hành. Như tại Tạp chí Sức khỏe và Môi trường, ban biên tập xác định nếu biết tận dụng sức mạnh của công nghệ, của cuộc cách mạng 4.0 và độ phủ sóng của mạng xã hội để đưa kênh của mình đến với đông đảo bạn đọc rộng rãi hơn từ đó tạo thêm tệp khách hàng mới, mở rộng thêm các nguồn thu từ quảng cáo.
Theo nhà báo Phạm Thị Mỵ – Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường, để mỗi cơ quan báo chí tự chủ tài chính, hoạt động hiệu quả cần làm rõ các chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh trong và ngoài mặt báo; đồng thời duy trì việc đặt hàng các báo trong việc tuyên truyền chính sách và trả phí cho việc tuyên truyền đó là việc cần thiết để đảm bảo sự công bằng và khẳng định vai trò của báo chí.
“Để giảm gánh nặng cho báo chí, cần sớm ban hành các nghị định mới quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; cho phép các cơ quan báo chí, xuất bản được chi lương như doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, cần cân nhắc, xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của các cơ quan báo chí, xuất bản từ 20% hiện nay xuống khoảng từ 5-10%, để giảm gánh nặng về thuế, tăng thu nhập cho người lao động, giúp cơ quan báo chí” – nhà báo Phạm Thị Mỵ chia sẻ.