Đoàn đã tham quan, nghe cán bộ Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào giới thiệu về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của Di tích Nha thông tin, tiền thân Bộ Văn hoá – Thông tin tại thôn Mới, xã Minh thanh.
Đoàn Cục Báo chí chụp ảnh lưu niệm tại Di tích Nha thông tin, xã Minh Thanh (Sơn Dương).
Nha Thông tin – tiền thân là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được di rời từ Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc (ATK) vào mùa thu năm 1947. Do yêu cầu giữ gìn bí mật, địa điểm làm việc của Nha Thông tin đã di chuyển qua nhiều nơi. Những ngày đầu được đặt tại xã Khuổi Trạo, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Sau đó, chuyển đến xã Đông Mốc, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; rồi chuyển đến thôn Trung Tâm, xã Kháng Nhật; làng Chanh, xã Phú Thịnh.
Từ giữa năm 1951 đến ngày kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nha Thông tin hoạt động tại Xóm Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ngày đó, Nha Thông Tin có khoảng 40 người do đồng chí Trần Văn Giàu làm Tổng Giám Đốc với các bộ phận: Văn phòng; Ban Nghiên cứu tài liệu, đề xuất ý kiến về tổ chức hệ thống Thông tin từ Trung ương đến khu, tỉnh, huyện, xã …; Ban Sưu tầm tư liệu, tài liệu của Trung ương Đảng, Chính phủ; Ban Biên tập triển khai biên tập tin tức trong nước, tin nước ngoài từ các phóng viên đưa về; Ban Điện vụ: nhận tin đầy đủ từ các đài lưu động, từ chiến trường để cung cấp kịp thời, chính xác tới Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ…Những bản tin, những bài báo, những áng văn chương, bài thơ, bài hát được truyền đi từ Nha Thông tin trong suốt thời gian kháng chiến đã góp phần không nhỏ trong việc khích lệ nhân dân đồng sức, đồng lòng, nâng cao ý chí và niềm tin vào cách mạng.
Khi kháng chiến kết thúc, Nha Thông tin được chuyển lại về Hà Nội. Kể từ đó đến nay, Nha Thông tin ở Tuyên Quang trở thành một di tích lịch sử của tỉnh. Cho đến năm 2006, sau khi được đầu tư, trùng tu và xây dựng thêm Nhà Bia: Nhà Văn hóa thôn Mới, di tích Nha Thông tin mới chính thức mở cửa đón khách tham quan.
Hành trình về nguồn là hoạt động rất có ý nghĩa, bồi đắp lòng yêu nước cách mạng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là nguồn động lực thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên và đoàn viên, thanh niên Cục Báo chí.