Làng Bích Ngô thuộc tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam vào thời Tự Đức. Nay, làng này bao gồm các thôn Bích Trung của xã Tam Xuân 1 và Bích Ngô, Bích Nam của xã Tam Xuân 2 đều thuộc huyện Núi Thành. Dấu tích về ngôi làng này hiện còn trên thực địa và qua lời kể dân gian.
Thôn Bích Ngô được ghi nhận trong địa bạ lập thời Gia Long với tên “thôn Cây Vông”; đến thời Minh Mệnh được đổi sang tên chữ là “Bích Ngô” (bích: xanh, ngô: cây vông đồng lá xanh). Truyền khẩu trong làng kể, buổi đầu, các cư dân đầu tiên đến lập làng gồm 2 thôn: thôn Cây Vông và thôn Cây Bồng đều nằm trong xã Đức Hòa mới lập.
Về sau, dân cư ngày càng đông, ruộng tư ngày càng được khai phá mở rộng, cả hai thôn đều nâng lên thành quy mô làng và tách ra làm hai: thôn Cây Bồng đổi thành Bồng Miêu (thuộc tổng Phước Lợi) và thôn Cây Vông thành Bích Ngô (thuộc tổng Đức Hòa, về sau tổng này cải tên thành Đức Tân).
Vị trí làng Bích Ngô đầu thời Nguyễn được ghi trong địa bạ Gia Long như sau: “đông giáp xã Thạch Kiều, xã Phú Lân Đông, xã Phú Hưng lấy bờ đê làm giới hạn/ tây giáp sông (Tam Kỳ)/ nam giáp xã Đường An (về sau đổi thành Trường An)/ bắc giáp xã Khương Mỹ (nơi có ba ngọn tháp Chăm Khương Mỹ)”.
Chuyện dân gian làng Bích Ngô
Nhà giáo hưu trí Lê Văn Phu ở thôn Phú Khê xã Tam Xuân 2 (qua đời năm 2019) đã bỏ công sưu tầm được nhiều câu chuyện kể dân gian ở vùng đất nằm giữa hai nhánh sông Tam Kỳ và Bầu Bầu và đã tập hợp lại trong tập “Chuyện cũ làng quê xưa” (lưu hành nội bộ từ tháng 12/2014) trong đó có hai chuyện liên quan đến làng Bích Ngô.
Chuyện “Con ngựa Hố vàng” (trang 15, 16) cho biết phía tây làng Bích Ngô có cánh đồng ven rừng gọi là “đồng Hố vàng”. Truyền thuyết địa phương kể: Mỗi đêm mùa hè, thường thấy hiện lên giữa cánh đồng một con ngựa toàn thân vàng chóe.
Ngựa này thường liếm vào các phiến đá nằm rải rác trên đồng, nước dãi của nó thấm trên mặt đá hiện ra các đường chỉ bằng vàng. Dân địa phương theo dấu các đường chỉ đó đã tìm được ít nhiều vàng thật. Truyền thuyết này gắn liền với lời đồn từ xa xưa về các mạch vàng ở các núi vùng Bồng Miêu ăn lan đến tận các đồi đá làng Bích Ngô.
Chuyện “Lửa dậy làng Bích Ngô” (trang 12, 13) kể về một hiện tượng huyền bí: “Trong năm, những tháng nắng, vùng này thường có những cơn dông tố. Trong lúc sấm sét ầm ầm, ở đâu đó trong làng, người ta thấy lửa từ mặt đất lóe lên và tiếp theo là cháy nhà. Người Bích Ngô gọi đó là “lửa dậy” – vì lửa không phát ra từ trong bếp, cũng không do sấm sét, mà từ lòng đất vọt lên.
Về đêm, lửa dậy rất rõ, có khi làm cháy rụi cả một vùng. Do đó, từ xa xưa, dân làng đã làm lễ tế thần lửa vào khoảng tháng Hai – đầu mùa nắng. Để phòng hỏa hoạn, người dân ở đây có tục: dập tắt bếp khi đi ra đồng; làm bếp xa nhà chính; không tự tiện vào nhà người khác xin lửa.
“Lạc quyên nghĩa dân”
Tại nhà hậu duệ ông Nguyễn An Hựu (ở thôn Bích An, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) còn lưu Giấy chứng nhận của tỉnh Quảng Nam (hai người ký là Bố chánh sứ họ Đặng và Án sát sứ họ Lê ký ngày 1/4/1865)xác nhận ông Nguyễn (An) Hựu đã quyên góp 800 quan tiền để tỉnh Quảng Nam cứu trợ dân nghèo (quyên tiền Bát bách quan bị cấp bần dân). Giấy này cũng đề nghị triều đình thưởng hàm Tòng cửu phẩm cho ông này.
Cùng với đó là bản sắc chỉ đóng ấn “Sắc mệnh chi bửu” có nội dung chính (nguyên văn) như sau: “Sắc: Thí sinh Nguyễn Hựu, quán Quảng Nam tỉnh, Thăng Bình phủ, Hà Đông huyện, Đức Hòa trung tổng, Bích Ngô thôn thử thứ quyên tiền mễ, phả thuộc hữu tâm háo nghĩa. Kinh Hộ bộ nghi thỉnh chuẩn nhĩ thưởng thụ Văn giai tòng cửu phẩm, dụng thị kích dương. Khâm tai! Tự Đức thập bát niên, thập nguyệt, nhị thập bát nhật”
(Dịch: Sắc ban tặng cho người đang có danh hiệu “học trò thi” (thí sinh) tên Nguyễn Hựu, quê quán ở thôn Bích Ngô, tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam lần này có công quyên tiền gạo, đúng là có lòng làm việc nghĩa. Nay chiếu theo thỉnh cầu của Bộ Hộ, cấp cho ông ta phẩm hàm Tòng cửu phẩm Văn giai để khuyến khích và tưởng thưởng. Sắc này ban vào ngày hai mươi tám, tháng Mười hai năm Tự Đức thứ mười tám – 1865).
Gia phả và bia mộ còn lưu tại địa phương cho biết ông Nguyễn An Hựu là con của ông Nguyễn An Tế. Ông Tế đỗ hai khoa thi “nhiêu học” có bằng “y sinh” (một văn bằng chứng nhận đủ điều kiện làm thầy thuốc cho nhà nước – NV) và (theo hậu duệ cho biết) đã từng làm thầy thuốc trong cung vua (ngự y) ở Huế.
Qua câu chuyện “lạc quyên nghĩa dân” trên, có thể biết, vào thời Tự Đức, Bích Ngô là một làng giàu có và có người học hành, đỗ đạt.
Tấm bia thủy tổ họ Nguyễn Tất
Nguyễn Tất là một đại tộc ở làng Bích Ngô. Hiện ở mé đông nghĩa trang Gò Trầu (địa phận thôn Bích Ngô, xã Tam Xuân 1, Núi Thành), tại ngôi mộ hai vị thủy tổ họ này có tấm bia xi măng ghi nhiều chi tiết liên quan đến cư dân làng Bích Ngô xưa.
Bia lập ngày 18/4 năm Bính Thân (1956). Mặt trước ghi tên hai vị thủy tổ họ Nguyễn Tất và ghi hậu duệ lập bia là “Nguyễn Tất tứ phái nội ngoại tử tôn đồng lập thạch” (con cháu nội ngoại của bốn phái họ Nguyễn Tất cùng dựng bia). Hai cánh bên của mặt trước ghi câu đối tự dạng chữ Nôm “Một nấm giữa trời ghi sự tích/ Nghìn năm trong họ rõ nguồn cơn”. “Nguồn cơn” ấy được ghi ở bài minh khắc ở mặt sau bia. Xin trích một đoạn (chữ Nôm có chú âm Quốc ngữ) như sau:
“Xin đem công tác hai Ngài khắc vào bia ngõ gẫm công ơn muôn một: Nguyên xưa kia cha con ông Thủy tổ tự Nghệ An lưu đáo Quảng Nam dinh, kiến thổ khai cơ quy dân lập ấp, đặt hiệu làng là Đức Hòa chia làm hai thôn: Thôn 1 kêu bằng Cây Vông (tức là Bích Ngô), thôn 2 kêu Cây Bồng (tức là Bồng Miêu).
Khai khẩn công điền bổn xứ (Ma Vang, Trà Gò, Bàu Lăng thượng hạ, Gia Linh); đồng canh xứ Đá Ngang, đắp đập Sông Tiên, bòn vàng Hà bá. Công tích hai ngài chỉ nghe được chừng nấy, còn lịch sử vì đâu lưu lạc, chúng tôi sinh dưới năm sáu trăm năm không rõ được…”.
Cuối bài minh, người soạn văn bia “xin hiến bài thơ rằng…: Kể từ lưu đáo Quảng Nam dinh/ Sinh hạ ngày nay đến ở mình/ Mưu để cháu con nên khẩn ruộng/ Kính thờ thần thánh mới làm đình/ Đào mương đắp đập phòng trời hạn/ Lọc cát bòn vàng nạp thuế thanh/ Lịch sử vì đâu lưu lạc mất/ Tám câu xin ứng nghĩa đồng thanh”. Bài thơ rất ý nghĩa, nó phác họa tình cảnh buổi đầu lưu dân từ phía bắc đến đất Hà Đông – Tam Kỳ rất sinh động.
Hai bên cánh bia (mặt sau) còn có câu đối “Bia khắc rõ ràng trên đất Bích/ Khói hương nghi ngút dưới trời Ngô”.