Như tên gọi, cuốn sách gần 300 trang này là tập hợp những câu chuyện trong cuộc đời làm Đại sứ của nhà văn Nguyễn Chiến Thắng, không gò bó như một hồi ký lớp lang, mà nhẩn nha, thong thả như một cuộc sẻ chia, chuyện trò.
“Chuyện kể của một Đại sứ” chia làm 3 phần “Mỗi gương mặt một phận người”, “Miền ký ức” và “Phần kết”. Những trang viết đưa bạn đọc trở lại nhiều không gian, thời gian không phải chỉ của cá nhân tác giả mà còn là của những con người gắn với nhiệm vụ đặc biệt mà tác giả gọi là “ý nghĩa sứ mệnh phụng sự Tổ quốc của một Đại sứ.”
“Mỗi gương mặt một phận người”
Lợi thế không thể phủ nhận trong cuộc đời làm ngoại giao của nhà văn Nguyễn Chiến Thắng chính là cơ hội gặp gỡ, làm bạn với những con người ở nhiều vị trí, nhiều không gian chính trị, văn hoá khác nhau.
Chuyện các chính khách thì nhiều, chuyện người nổi tiếng cũng vậy, nhưng ở đây qua góc nhìn của nhà văn-Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng, mỗi gương mặt hiện diện một câu chuyện cuộc đời, chuyện làm nghề, giản dị mà cũng nhiều ấn tượng, ám ảnh.
Ông kể từ các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Jacques Chirac, Cựu Hoàng Sihanouk, những nhân vật lịch sử như Cựu Hoàng Thái tử Bảo Long, nữ nhà báo Madeleine Riffaud đến các cán bộ sứ quán Việt Nam “hiểu biết sâu rộng, nho nhã” một thời và những con người Việt Nam xa xứ sâu nặng một tình yêu Tổ quốc như võ sư Sơn Long Quyền Thuật Nguyễn Đức Mộc, những người bạn quốc tế từng xuống đường ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh…
Có những trang viết để lại cái mỉm cười dí dỏm, cái băn khoăn tinh tế của người làm ngoại giao và cũng nhiều trang viết để lại trong người đọc những xúc động khôn nguôi.
Viết về Đại sứ Ngô Điền – người giữ kỷ lục Đại sứ ở Campuchia: “Trời rét, ông khoác chiếc áo ni-lông màu xám mỏng nho nhã, tà áo trước gió cũng bay lật phật một cách nho nhã… Sự hiểu biết sâu rộng cộng với cách đối nhân xử thế mềm mỏng và chân thành đến xiêu lòng người của ông đã thành cái duyên, cái cớ cột chặt ông vào một thời kỳ hơn mười năm đầy cam go thử thách của nhân dân Campuchia…”
_________________________________________
Cùng lối kể giản dị, một tấm lòng chân thành, nhà văn Nguyễn Chiến Thắng mời gọi độc giả cùng ông tham dự, lắng nghe, chia sẻ về nhiều nhân vật mà có khi chỉ đôi nét phác hoạ cũng toát lên những phận người.
___________________________________________
Nữ nhà báo Medelein Riffaud đã được truyền thông khai thác nhiều, nhưng qua câu chuyện của nhà văn Nguyễn Chiến Thắng, con người đặc biệt này vẫn hiện diện vô cùng sống động. Độc giả như thể được có mặt cùng bà trong căn hộ tầng 5, chung cư số 13, phố Villehardouin (Paris) của bà để nghe về “một phần đời đã gắn bó với Việt Nam”, về tình yêu trong sáng “chỉ trao qua ánh mắt” cùng anh bộ đội, nhà thơ Việt Nam Nguyễn Đình Thi.
Cùng lối kể giản dị, một tấm lòng chân thành như vậy, nhà văn Nguyễn Chiến Thắng mời gọi độc giả cùng ông tham dự, lắng nghe, chia sẻ về nhiều nhân vật mà có khi chỉ đôi nét phác hoạ cũng toát lên những phận người.
Khoảnh khắc nghề nghiệp-Khoảnh khắc cuộc đời
“Chuyện kể của một Đại sứ” cũng chở theo những câu chuyện làm nghề với những nỗi buồn vui, hạnh phúc, đau khổ và mất mát. Trang viết về một tham tán sứ quán Việt Nam nạn nhân của khủng bố khiến người đọc hiểu thêm về những đóng góp, hy sinh của những người làm ngoại giao Việt Nam trong lịch sử.
Những chia sẻ khác của tác giả như “Lần đầu trình Quốc thư”, “Kiêm nhiệm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha”, “Jean Claude Labbe, không có nỗi buồn thứ ba”… phần nào lý giải về chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, về sự ủng hộ của bạn bè quốc tế quan trọng và vô cùng sâu sắc.
Đọc “Chuyện kể của một Đại sứ” ta thấy được hoạt động ngoại giao những năm tháng gian khó và tấm lòng của người làm nghề ở các quốc gia với nhau.
Nghề Đại sứ cũng là nghề làm văn hoá, một sự kết nối dựa trên thấu hiểu và chia sẻ. Không ngạc nhiên khi nhà văn Nguyễn Chiến Thắng kể nhiều về văn hóa rượu vang, thậm chí chi tiết cách đọc “nhãn” và thưởng thức các loại rượu. Những cuộc tiệc tùng theo văn hoá nước bạn, ngoài phần nghi lễ còn có những giao tiếp thân tình, những việc đã làm được, chưa làm được…
Đọc “Chuyện kể của một Đại sứ” ta thấy được hoạt động ngoại giao những năm tháng gian khó và tấm lòng của người làm nghề ở các quốc gia với nhau. Kiến trúc trụ sở sứ quán Việt Nam thân thuộc ở 62 Rue Boileau, quận 16 của Paris với lối thiết kế đặc biệt là chứng nhân một thời kỳ lịch sử, xã hội và hoạt động ngoại giao của Việt Nam và Pháp một thời.
Nhà văn, Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng. (Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam)
Trong chuyện “Hunsen, người hùng của Campuchia”, hiện lên hình ảnh những cán bộ ngoại giao không bóng bẩy như ta thường nghĩ, mà ở những ngày đầu gian khó, phải cùng nhau “lùng sục trong các khu nhà bỏ hoang để thu nhặt bàn ghế, máy chữ và các đồ dùng văn phòng về trang bị cho trụ sở Bộ. Đụng đến cái gì cũng một lớp bụi phủ dày, thổi nhẹ một cái giống như thổi vào một đĩa bột mì”.
Có thể nói, những khoảnh khắc nghề nghiệp mà nhà văn Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ cũng như những khoảnh khắc cuộc đời mà ông gìn giữ, suy tư và gửi đến bạn đọc.
Nhandan.vn