Đo từ chân tới đỉnh và khoảng cách từ xích đạo, núi Everest bị đánh bại bởi hai ngọn núi khác là núi Mauna Kea và Chimborazo.
Độ cao chót vót của Everest (8.849 m) khiến ngọn núi nổi tiếng trên dãy Himalaya được xếp hạng cao nhất thế giới, tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, theo IFL Science. Núi Everest là ngọn núi cao nhất thế giới ở phía trên mực nước biển, nhưng có vài thông số khác nhau để đo chiều cao của núi. Núi Mauna Kea ở Hawai’i là ngọn núi cao nhất tính từ chân tới đỉnh. Trong khi đó, do vỏ Trái Đất hơi dày hơn ở xích đạo, núi Chimborazo ở Ecuador là cao nhất nếu đỉnh núi được đo từ tâm Trái Đất.
Núi Mauna Kea là núi lửa không hoạt động phun trào lần cuối cách đây 4.500 năm. Tên gọi có nghĩa “Núi Trắng” trong tiếng Hawaii, đỉnh núi Mauna Kea nằm ở độ cao 4.205 m phía trên mực nước biển. Dù là núi cao nhất bang, độ cao này có vẻ khiêm tốn so với núi Everest. Dù vậy, phần chân núi Mauna Kea thường ít được chú ý. Tính cả phần chân chạy sâu xuống dưới Thái Bình Dương, độ cao của núi Mauna Kea tăng hơn gấp đôi lên 10.210 m, vượt xa núi Everest.
Một sông băng 75 m từng bao phủ đỉnh núi vào thời Băng Hà, dẫn tới hình thành các hồ ở độ cao lớn. Phần vòm rộng 50 km của Mauna Kea là nơi đặt Đài thiên văn Mauna Kea, địa điểm cung cấp nhiều quan sát thiên văn học bậc nhất trên thế giới.
Đối thủ thứ hai của Everest là núi Chimborazo nằm ở dãy Cordillera Occidental thuộc dãy núi Andes, miền trung Ecuador. Núi Chimborazo là núi lửa không hoạt động phủ băng. Đỉnh ngọn núi này thậm chí nằm cao hơn phía trên mực nước biển so với núi 6.310 m. Là đỉnh núi cao nhất Ecuador, núi Chimborazo từ lâu cũng được cho là núi cao nhất dãy Andes, nhưng thực tế vị trí đó thuộc về núi Aconcagua.
Vị trí độc đáo của núi Chimborazo nằm trực tiếp trên điểm dày nhất của Trái Đất, khiến đỉnh của nó ở xa tâm Trái Đất nhất. Dù thấp hơn 2.539 m so với núi Everest, nếu tính từ tâm Trái Đất, đỉnh núi Chimborazo lại cao hơn 2.072 m.
An Khang (Theo IFL Science)