Ngư dân bãi ngang các xã Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đang vào mùa thu hoạch ruốc (moi, tép) biển. Mỗi ngày, một người có thể “cào” hàng chục, có khi cả trăm kg ruốc, cho thu nhập cả triệu đồng.
Công việc thu hoạch ruốc biển được ngư dân vùng bãi ngang bắt đầu từ sáng sớm. Để “cào” được hàng chục kg ruốc, mỗi ngư dân phải ngâm mình dưới biển nhiều giờ và di chuyển liên tục. Dụng cụ “cào” ruốc là một chiếc vợt làm bằng lưới mỏng nối vào khung sắt có tay cầm bằng gỗ dài chừng 1,5m.
Từ sáng sớm, ngư dân các vùng biển bãi ngang đã ngâm mình dưới biển để “cào” ruốc. Ảnh ĐỨC THỌ |
Mùa ruốc ở các vùng biển bãi ngang ở Quảng Bình thường bắt đầu từ tháng 6 đến hết tháng 9 âm lịch. “Năm nay, ruốc vào bờ sớm hơn và xuất hiện dày đặc là do vùng biển có nhiều phù du và nước trong, sạch”, ông Lê Văn Thắng, thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình cho biết.
Ngư dân Lê Văn Ngợi thu tiền triệu mỗi ngày nhờ ruốc biển. |
Nhiều ngư dân cho biết, năm nay, ruốc biển được mùa và được giá. “Điển hình như hôm nay, có người lấy được hơn 1 tạ, bán với giá 30 ngàn đồng/kg, thu về hơn 3 triệu đồng”, ngư dân Lê Văn Ngợi, thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình phấn khởi.
Ruốc biển tươi, ngon được ngư dân chế biến thành nhiều món ăn hằng ngày. Ảnh ĐỨC THỌ |
Ruốc biển thường dùng làm thực phẩm chế biến các món ăn hằng ngày; ngoài ra ruốc biển còn được ngư dân bãi ngang muối mắm, phơi khô, hay kết hợp với các món ăn khác.
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.
MINH TÚ