Ngày 12/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường yêu cầu cơ quan ban ngành, địa phương cần cải cách quản lý những công ty nền tảng theo hướng minh bạch, dễ dự báo và tiết kiệm hơn, góp phần giải quyết vấn đề kinh tế vĩ mô của quốc gia này.
Tuần trước, Bắc Kinh công bố mức phạt 7,12 tỷ NDT (tương đương 988 triệu USD) đối với Ant Group, chi nhánh của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba do vi phạm nhiều quy định khác nhau. Động thái được các nhà đầu tư kỳ vọng rằng cuộc “đàn áp” lĩnh vực công nghệ trong ba năm trở lại đây sẽ đến hồi kết thúc.
Kinh tế nền tảng đang giữ vai trò động cơ thúc đẩy cho đổi mới và phát triển của Trung Quốc – trích phát biểu người đứng đầu chính phủ trong một hội nghị chuyên đề gần đây có sự góp mặt của Meituan, Alibaba Cloud và Douyin.
Hiện nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự thiếu tự tin của các nhà đầu tư tư nhân, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, gánh nặng nợ địa phương gia tăng và thị trường bất động sản trì trệ.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy thái độ của Trung Quốc đối với lĩnh vực này đang dịu đi sau cuộc đàn áp kéo dài gần ba năm, ông Lý Cường ca ngợi Tencent Holdings và Alibaba Group Holding trong thúc đẩy sự phát triển của các công ty nền tảng đại lục.
Chấm dứt “cải chính”
Kể từ tháng 11/2020, các cơ quan quản lý tài chính bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương và Ủy ban điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã hướng dẫn và giám sát 14 công ty nền tảng quy mô lớn, bao gồm cả Ant Group, tiến hành khắc phục nhiều vấn đề nổi cộm liên quan hoạt động kinh doanh tài chính, chẳng hạn như giấy phép, chênh lệch giá, mở rộng hay quyền người tiêu dùng.
Các nhà quan sát trong ngành cho biết, việc kết thúc “cải chính” gửi tín hiệu mạnh mẽ rằng nền kinh tế nền tảng của Trung Quốc sẽ phục hồi tăng trưởng, góp phần giải quyết vấn đề kinh tế vĩ mô của quốc gia này.
Pan Helin, đồng giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Kỹ thuật số và Đổi mới Tài chính trực thuộc Trường Kinh doanh Quốc tế của Đại học Chiết Giang, cho biết các nhà khai thác nền tảng cần đóng góp mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế, hiện đại hoá đất nước.
“Vì vậy, họ không nên chỉ tập trung vào việc kiếm lợi nhuận mà thay vào đó, cần phải suy nghĩ và hành động nhiều hơn để giúp đỡ nền kinh tế thực. Có rất nhiều dư địa cho các nhà khai thác nền tảng phát huy hết giá trị của họ”, Pan lưu ý.
“Các nhà khai thác nền tảng, đặc biệt là những công ty lớn, đại diện cho tương lai của nền kinh tế kỹ thuật số, dựa trên khoản đầu tư khổng lồ của họ vào đổi mới công nghệ. Họ là những người tiên phong trong cuộc đua công nghệ cao toàn cầu”, Song Ding, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Trung Quốc khẳng định.
Động lực tăng trưởng
Các công ty nền tảng là nguồn cung cấp việc làm chính, được các sinh viên mới tốt nghiệp săn đón nồng nhiệt. Một nghiên cứu của Deloitte ước tính quy mô nền kinh tế nền tảng đạt 100 nghìn tỷ NDT vào năm 2030, trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế thực.
Theo Uỷ ban phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC), giai đoạn 2020 – 2022, nhóm nền tảng dẫn đầu đầu tư tổng cộng hơn 500 tỷ NDT (69,7 tỷ USD) cho nghiên cứu và phát triển (R&D), với mức tăng trưởng bình quân 15%. Các công ty cũng sở hữu hơn 50 ngàn bằng sáng chế, trở thành động lực chính cho đổi mới sáng tạo công nghệ.
Chẳng hạn, Tencent đã tăng cường đầu tư vào Enflame Technology, một công ty khởi nghiệp về chip trí tuệ nhân tạo (AI) với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của chip AI hiệu suất cao trong nước.
Trong khi đó, khoản đầu tư của Alibaba vào việc hỗ trợ chuyển đổi và phát triển nông nghiệp và dịch vụ đã giúp hơn 500 ngôi làng và thị trấn thực hiện nâng cấp kỹ thuật số, tạo điều kiện cho gần 1.000 sản phẩm nông nghiệp được vận chuyển từ làng vào thành phố.
“Các khoản đầu tư của họ không chỉ tạo ra lợi nhuận đáng kể và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nền tảng mà còn thúc đẩy sự tự chủ về công nghệ ở mức độ cao, cải thiện hiệu quả của nền kinh tế thực và góp phần xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại, phát triển chất lượng cao”, NDRC cho biết.
(Theo Nikkei Asia, Global Times)