Cách đây hơn 30 năm, những công nhân của Lâm trường Nha Trang đã đến công tác tại khu vực rừng núi heo hút thuộc địa bàn phường Vĩnh Hải (nay là phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang). Họ được lâm trường cấp nhà, cấp đất để vượt qua khó khăn, bám địa bàn, ổn định cuộc sống. Đến nay, tuy có đủ giấy tờ hợp pháp, các hộ dân vẫn không được cấp sổ đỏ; trong khi chỉ cách một con đường, những người đến sau, tự khai hoang thì đã được cấp sổ đỏ.
Nguồn gốc đất lâm trường cấp
Đến đường Nguyễn Duy Hiệu (thuộc tổ 10 Hòa Bắc, phường Vĩnh Hòa), chúng tôi nhận thấy một bên là nhà cao tầng khang trang, một bên là nhà cấp 4 xập xệ, xuống cấp. Bên nhà cửa xập xệ là của những công nhân được Lâm trường Nha Trang cấp nhà, cấp đất từ hơn 30 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); còn bên phía nhà cao tầng là của những hộ dân đến sau, tự khai hoang, sau đó đã được cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ. Chuyện này đã khiến 40 hộ dân ở đây khổ sở nhiều năm qua.
Nhà dân do Lâm trường Nha Trang cấp ở đường Nguyễn Duy Hiệu đã hơn 30 năm nhưng không được cấp sổ đỏ. |
Cầm quyết định cấp nhà của Lâm trường Nha Trang trong tay, ông Phan Văn Ánh cho biết, khi ông mới tới công tác, khu vực Vĩnh Hòa này rất heo hút, đường Điện Biên Phủ còn là con đường đất nhỏ hẹp, phía trên núi chưa có người dân nào đến sinh sống. Ngày đó, ở đây không điện, không nước, phương tiện đi lại rất thiếu thốn; cuộc sống của công nhân lâm trường rất vất vả, khó khăn. Để động viên cán bộ, công nhân vượt khó, bám địa bàn, ổn định cuộc sống, Lâm trường Nha Trang đã cấp cho vợ chồng ông căn nhà rộng hơn 60m2. Khi đó, phía trước nhà ông Ánh là khu đất hoang, cây bụi mọc um tùm, có nhiều đêm rắn bò vào tận nhà. Ít năm sau, có người đến tự khai hoang, san ủi rồi dựng nhà ở. Dân cư khu vực này bắt đầu dần đông lên, rồi dần hình thành khu dân cư hiện hữu. Điều oái oăm là những người dân đến sau khai hoang thì đã được cấp sổ đỏ, xây dựng nhà cửa khang trang; còn những cán bộ, công nhân được cấp đất, cấp nhà hợp pháp thì bị từ chối cấp sổ đỏ nên cứ mãi sống trong những căn nhà xuống cấp. “Chúng tôi có đầy đủ giấy tờ cấp nhà, cấp đất nhưng không hiểu vì lý do gì mà không được cấp sổ đỏ. Đến nay, nhà ở đã xuống cấp, con cái lớn cần phòng ngủ riêng nhưng không thể xin giấy phép xây dựng để xây mới mà chỉ có thể sửa chữa nhỏ cho mưa đỡ dột”, ông Ánh nghẹn giọng.
Để hiểu rõ ngọn ngành vấn đề, chúng tôi lần tìm những người nắm rõ và cuối cùng gặp được ông Trần Văn Chương – Giám đốc Lâm trường Nha Trang khi ấy, người ký quyết định cấp đất, cấp nhà cho các cán bộ, công nhân của lâm trường. Ông Chương kể, trước đây, Lâm trường Nha Trang nằm sát đồi núi ở khu vực Đồng Đế. Sau đó, UBND tỉnh Phú Khánh thu hồi đất để giao cho một công ty khác, rồi dời vườn ươm của lâm trường về khu đất nằm trên đường Điện Biên Phủ, gần UBND phường Vĩnh Hòa hiện nay. Thấy cuộc sống công nhân khó khăn, không có nhà ở nên ông Chương đã kiến nghị và được UBND tỉnh Phú Khánh ra quyết định cấp khu đất trên đồi núi với mục đích làm nhà ở cho công nhân. Khi đó, lâm trường xây dựng nhà rồi cấp cho 16 cán bộ, công nhân; còn 24 công nhân chưa có gia đình thì lâm trường cấp cho mỗi người một lô đất để xây nhà và có vườn để trồng trọt, chăn nuôi. Đến năm 1992, lâm trường giải thể, ông Chương chuyển công tác về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Nha Trang. “Khi giải thể lâm trường, tôi đã làm văn bản gửi Sở Xây dựng đề nghị cấp sổ đỏ đối với những hộ dân đã xây nhà. Sở Xây dựng đồng ý và cho người xuống đo vẽ hiện trạng, làm thủ tục hóa giá nhưng khi đó công nhân nghèo, không có tiền nộp nên việc làm sổ đỏ bị dừng lại”, ông Chương kể.
Ông Trần Văn Chương – nguyên Giám đốc Lâm trường Nha Trang, kể lại việc ký quyết định cấp đất, cấp nhà cho các cán bộ, công nhân của lâm trường. |
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hà – Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa thừa nhận có tình trạng cùng trên con đường Nguyễn Duy Hiệu nhưng những hộ dân đến khai hoang, xây dựng nhà ở thì đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Tôi không nhớ chính xác bao nhiêu hộ khai hoang đã được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, tình trạng đó khiến các hộ dân được Lâm trường Nha Trang cấp đất so bì, bức xúc nhiều năm nay”, bà Hà cho biết.
Lòng vòng tìm cơ sở pháp lý
Theo phản ánh của người dân, từ năm 2015, ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, khi ấy là đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri phường Vĩnh Hòa, người dân đã kiến nghị việc cấp sổ đỏ đối với nhà đất của Lâm trường Nha Trang cấp cho cán bộ, công nhân. Năm 2021, người dân tiếp tục có đơn kiến nghị lên lãnh đạo UBND tỉnh và UBND TP. Nha Trang nhưng do dịch Covid-19 nên không được giải quyết. Đến đầu năm 2022, người dân tiếp tục làm đơn thì được ông Nguyễn Tấn Tuân lắng nghe và chỉ đạo giao cho UBND TP. Nha Trang rà soát, kiểm tra và thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân nơi đây.
Liên quan đến vấn đề này, UBND TP. Nha Trang cho rằng, vướng mắc chính trong việc giải quyết cấp sổ cho các hộ dân là UBND thành phố không có hồ sơ hoặc bất kỳ giấy tờ nào thể hiện việc Lâm trường Nha Trang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để quản lý, sử dụng và các giấy tờ, biên bản bàn giao lại phần đất của lâm trường cho địa phương quản lý. Theo đó, khu đất do Lâm trường Nha Trang cấp cho cán bộ, công nhân để làm nhà ở không có hồ sơ hoặc bất kỳ giấy tờ nào thể hiện việc Lâm trường Nha Trang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất. Vì vậy, UBND TP. Nha Trang kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND thành phố một số nội dung, như: Nguồn gốc, ranh giới, quá trình sử dụng đất và hồ sơ quản lý đất đai đối với khu đất do Lâm trường Nha Trang cấp cho cán bộ, công nhân để làm nhà ở. Trường hợp không có hồ sơ hoặc bất kỳ giấy tờ nào thì đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chính sách giải quyết cấp sổ đỏ cho các hộ dân đang sử dụng đất theo quy định.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 13-4, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì cuộc họp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP. Nha Trang để tìm giải pháp giải quyết. Tại cuộc họp, vấn đề tài liệu liên quan đến nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của Lâm trường Nha Trang được xem là điểm mấu chốt để giải quyết yêu cầu của các hộ dân. Tuy nhiên, cả 3 đơn vị đều không nắm được tài liệu này. Do đó, đại diện các đơn vị dự họp đã thống nhất đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị chủ quản các lâm trường) khẩn trương rà soát tài liệu lưu trữ để cung cấp nội dung này. Sau cuộc họp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát hồ sơ lưu trữ nhưng không tìm được tài liệu này. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Anh Thy – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Lâm trường Nha Trang trước đây là đơn vị trực thuộc UBND TP. Nha Trang. Vì thế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không lưu bất cứ tài liệu, hồ sơ nào liên quan đến việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất tại khu vực phường Vĩnh Hòa cho Lâm trường Nha Trang. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo UBND tỉnh về việc này. Và như thế, sự việc lại quay về điểm ban đầu.
Tìm được văn bản cấp đất cho lâm trường
Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên nhận thấy trên tờ quyết định cấp nhà, đất cho các công nhân của Lâm trường thời điểm ấy có ghi rất rõ: “Căn cứ Quyết định 661/UB ngày 9-5-1988 của UBND tỉnh Phú Khánh về việc cấp đất xây dựng công trình làm việc, nhà ở cán bộ, công nhân Lâm trường Nha Trang và đất mượn tạm để làm vườn ươm”. Lần theo manh mối này, chúng tôi đã liên hệ với Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh để làm các thủ tục xin cung cấp quyết định. Sau gần 1 tuần, cán bộ trung tâm đã tìm thấy Quyết định 661/UB trong kho lưu trữ. Theo quyết định, UBND tỉnh Phú Khánh đã cấp cho Lâm trường Nha Trang 9.950m2 đất để xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân; trong đó có 6.825m2 đất trên đồi và 3.125m2 đất thu hồi của Sa khoáng Tỉnh ủy. Đồng thời, UBND tỉnh cũng cho Lâm trường Nha Trang mượn 10.000m2 đất cạnh đó để làm vườn ươm.
Ông Phan Văn Ánh với quyết định cấp nhà của Lâm trường Nha Trang. |
Quyết định số 661 ngày 9-5-1988 của UBND tỉnh Phú Khánh về việc cấp đất xây dựng công trình làm việc, nhà ở cán bộ, công nhân Lâm trường Nha Trang |
Như vậy, với Quyết định 661/UB này, có thể thấy, việc Lâm trường Nha Trang cấp nhà, đất cho cán bộ, công nhân lâm trường là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật vào thời điểm ấy. Điều này đồng nghĩa với việc, các hộ dân nơi đây có thêm cơ sở pháp lý để được Nhà nước xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, với nội dung trình bày của ông Trần Văn Chương – Giám đốc Lâm trường Nha Trang khi ấy về việc Sở Xây dựng đã từng tiến hành hóa giá nhà cho các công nhân lâm trường từ năm 1992, có lẽ việc tìm kiếm các tài liệu có liên quan tại Sở Xây dựng cũng không phải là điều quá khả năng của các cơ quan có trách nhiệm.
Từ kết quả tìm hiểu, chúng tôi mong rằng các cơ quan có trách nhiệm sớm thu thập, nghiên cứu, xem xét các tài liệu để giải quyết việc cấp sổ đỏ cho những cán bộ, công nhân của Lâm trường Nha Trang cũ.
VĂN KỲ