Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4121/QĐ-SYT giao quyền tự chủ tài chính giai đoạn 2023-2025 cho 36 bệnh viện công lập trực thuộc ngành Y tế Thủ đô (đợt 1).
Đây là những đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên và ngay từ năm đầu thời kỳ ổn định (năm 2023), ngân sách nhà nước không hỗ trợ hoặc cấp chi thường xuyên.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, các đơn vị chủ động sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại bộ máy bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, tăng nguồn thu sự nghiệp cho đơn vị và tiết kiệm chi, nâng mức tự chủ tài chính.
36 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội giao quyền tự chủ tài chính giai đoạn 2023-2025. |
Bên cạnh đó, Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện quy định công khai; trách nhiệm giải trình hoạt động và số liệu thu, chi khi lập phương án tự chủ tài chính của đơn vị trước cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.
“Định kỳ hằng năm, các đơn vị có trách nhiệm báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho Sở Y tế theo quy định”, Sở Y tế thành phố nêu rõ.
Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Ảnh minh họa |
Được biết, trong kế hoạch thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế sang tự chủ tài chính giai đoạn 2023-2025, ngành Y tế Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, nâng mức tự chủ chi thường xuyên của 37 đơn vị, bao gồm 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 6 trung tâm chuyên khoa (gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội; Trung tâm Cấp cứu 115; Trung tâm giám định y khoa; Trung tâm Pháp y; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; Trung tâm tư vấn dân số Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội thuộc Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình) và Bệnh viện Phục hồi chức năng – đơn vị khám, chữa bệnh cho các đối tượng đặc thù.
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.
QUỐC TRÍ