(BGĐT) – Tháng 5 vừa qua, Trường THCS An Lập (Sơn Động) ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Thủ lĩnh của sự thay đổi. CLB là sân chơi lành mạnh, giúp trẻ tự tin, trở thành những hạt nhân tiên phong trong tuyên truyền về bình đẳng giới, xóa bỏ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
CLB là mô hình điểm đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, Hội LHPN huyện Sơn Động, Trường THCS An Lập (Sơn Động) phối hợp thực hiện. Mô hình thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Các thành viên của CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi trò chuyện, trao đổi kiến thức. |
Được biết, Trường THCS An Lập có 406 học sinh với 4 khối lớp, các em thuộc nhiều dân tộc khác nhau như: Kinh, Tày, Cao Lan, Sán Chí… Hầu hết các em có những điểm chung như: Khoảng cách từ nhà tới trường rất xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nơi sinh sống còn tồn tại những định kiến giới. Căn cứ vào tình hình thực tế, nhà trường đã thành lập CLB gồm 21 thành viên, trong đó có 19 học sinh từ khối 6 đến khối 9, hầu hết là người dân tộc thiểu số và 2 dẫn trình viên là đại diện cán bộ, giáo viên nhà trường.
CLB sinh hoạt đều đặn 2 tuần/lần. Trước mỗi buổi sinh hoạt, dẫn trình viên định hướng cho học sinh về chủ đề của từng buổi. Từ đó, các em tìm hiểu và triển khai mở rộng thông tin, nâng cao nhận thức xoay quanh các nội dung: Bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực đối với trẻ em, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích; nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em; tìm hiểu về dậy thì sớm; hệ quả của nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết; kỹ năng ứng xử trên không gian mạng.
Để các buổi sinh hoạt sôi nổi, hấp dẫn, tăng sự tương tác, học sinh được tham gia các hoạt động như: Thảo luận nhóm, chơi trò chơi, tọa đàm, vẽ tranh, đóng kịch. Sau đó, chính các thành viên của CLB sẽ là các tuyên truyền viên, truyền tải những kiến thức này tới những học sinh khác trong nhà trường vào tiết chào cờ và sinh hoạt lớp.
Không chỉ vậy, các em còn là những hạt nhân tích cực lan tỏa thông tin tới người thân, hàng xóm nơi cư trú. Em Nông Thị Hoài Anh, học sinh lớp 8B, thành viên CLB nói: “Trước đây, một số bác lớn tuổi trong xóm em thường bảo “con gái học nhiều làm gì, lớn cũng đi lấy chồng, thành con của nhà khác”. Em nhận thấy quan niệm này là sai. Do đó, em đã giải thích, chia sẻ để mong các bác thay đổi suy nghĩ”.
Theo cô Phạm Hải Yến, giáo viên Tổng phụ trách Đội, dẫn trình viên CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi, trước đây, nhiều học sinh còn rụt rè, nhút nhát không dám nói trước đám đông và chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về bình đẳng giới, những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự an toàn bản thân.
Hiện tại, các em đã tự tin hơn, trình bày suy nghĩ, phân tích đúng sai với bạn bè, người thân, hàng xóm. Nhiều em còn mạnh dạn đề xuất với giáo viên về chủ đề, phương pháp tổ chức buổi sinh hoạt. Mặc dù Ban Giám hiệu nhà trường, Hội LHPN các cấp tạo điều kiện, tuy nhiên, quá trình triển khai hoạt động của CLB vẫn còn gặp một số hạn chế về tài liệu tuyên truyền; cách thức tổ chức sinh hoạt; một số học sinh vẫn e dè, nhút nhát. Để khắc phục điều đó, thời gian tới, dẫn trình viên cùng Ban Chủ nhiệm CLB sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, nội dung phù hợp với học sinh vùng cao; tổ chức đa dạng hình thức sinh hoạt nhằm thu hút nhiều học sinh tham gia CLB.
Theo bà Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thông qua hoạt động của mô hình nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng giúp học sinh có thể tự bảo vệ bản thân. Qua đó, tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức, hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với các vấn đề liên quan tới trẻ em. Đồng thời góp phần hỗ trợ chính quyền địa phương, nhà trường, phụ huynh thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thanh thiếu nhi tại địa phương. Hội LHPN tỉnh sẽ đánh giá hoạt động, rút kinh nghiệm để tổ chức nhân rộng mô hình ở địa bàn miền núi.
Bài, ảnh: Thu Thủy
Bắc Giang: Bảo đảm quyền lợi phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số
(BGĐT)- Để xóa bỏ những hủ tục đối với phụ nữ tại một số khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp đã triển khai hiệu quả các nội dung trong Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (gọi tắt là Dự án 8).
Bắc Giang, Hội LHPN tỉnh, học sinh dân tộc thiểu số, thủ lĩnh, năm 2023