Bài, ảnh: ÐẶNG NGỌC
Xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học (CSGDÐH) phải xác lập vị thế học thuật và chất lượng đào tạo qua đánh giá của thị trường lao động. Kiểm định chất lượng giáo dục (KÐCLGD) là một trong những công cụ hữu hiệu để các trường thực hiện những chuẩn mực, cũng như tạo động lực nâng cao chất lượng đào tạo. Tại TP Cần Thơ, nhiều trường ÐH đẩy mạnh hoạt động này.
Một buổi học của sinh viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Ảnh: B.NG
Sự kiện Công bố chứng nhận KÐCLGD (chu kỳ 2) và xếp hạng đối sánh 4 sao UPM cho Trường ÐH Nam Cần Thơ vừa qua là dấu mốc quan trọng trong hành trình 10 năm phát triển trường. TS Tạ Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm KÐCLGD – ÐH Quốc gia Hà Nội, cho biết thành quả đó của Trường ÐH Nam Cần Thơ thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo, nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên trong hoạt động đảm bảo KÐCLGD.
Tháng 5-2018, Trường ÐH Nam Cần Thơ đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn KÐCLGD. Sau chu kỳ 5 năm, đến tháng 4-2022, nhà trường tiến hành các hoạt động tự đánh giá và chuẩn bị các điều kiện để KÐCL trường chu kỳ 2 theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGD gồm 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí được ban hành theo Thông tư 12/2017/TT-BGDÐT của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT). Ðợt khảo sát chính thức trường từ ngày 17 đến 21-3-2023. Cuối tháng 6-2023, trường đạt chứng nhận KÐCLGD (chu kỳ 2) và xếp hạng đối sánh 4 sao UPM. Ðể đạt kết quả này, lãnh đạo nhà trường không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị, phòng thí nghiệm thực hành… đảm bảo phục vụ cho hơn 19.000 học viên, sinh viên. Trường còn là một trong những CSGD tiên phong trong việc xây dựng “Mô hình doanh nghiệp trong trường ÐH”; đã thành lập các doanh nghiệp như Tập đoàn Nam Miền Nam, Công ty TNHH MTV Bệnh viện ÐH Nam Cần Thơ, Viện Nghiên cứu và Phát triển dược liệu… Qua đó, phục vụ nhu cầu thực hành – thực tập cho sinh viên, cọ xát với thực tế, góp phần hoàn thiện kỹ năng và nâng cao tay nghề, giải quyết hiệu quả việc làm sau khi tốt nghiệp.
Trước đó, Trường ÐH Tây Ðô được trao giấy chứng nhận KÐCLGD ÐH (chu kỳ 2) vào cuối tháng 4-2023. Hơn 17 năm qua, trường luôn quan tâm đến công tác KÐCLGD và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Trường ÐH Tây Ðô đã sớm triển khai thực hiện công tác KÐCL CSGDÐH và được Trung tâm KÐCLGD – ÐH Quốc gia Hà Nội cấp Giấy chứng nhận KÐCL CSGD vào tháng 3-2018. Giai đoạn từ 2018-2022, nhà trường đẩy mạnh công tác KÐCL chương trình đào tạo nhằm thể hiện sự cam kết của trường trong việc đổi mới các hoạt động, chương trình đào tạo… Hiện tại, trường đã hoàn thành kiểm định 10 chương trình đào tạo ÐH, 2 chương trình đào tạo thạc sĩ.
Ở nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, KÐCLGD đã được hình thành và phát triển lâu đời. Tại Việt Nam, từ năm 2007 Bộ GD&ÐT ban hành Bộ tiêu chuẩn KÐCLGD đối với CSGD và chương trình đào tạo; chu kỳ, quy trình kiểm định; các văn bản cụ thể hóa các tiêu chuẩn làm công cụ thực hiện… Theo lãnh đạo các trường ÐH tại Cần Thơ, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tự chủ ÐH đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải xác lập thương hiệu, mà thể hiện rõ nhất qua năng lực của người được đào tạo khi tham gia thị trường lao động. Ðể thực hiện nhiệm vụ này, các CSGDÐH không những mở rộng quy mô, mà còn không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.
Tiên phong trong hoạt động này phải kể đến Trường ÐH Cần Thơ, khi năm 2009 Hội đồng Quốc gia KÐCLGD đã thẩm định và công nhận chất lượng trường với số phiếu tán thành cao. Lãnh đạo trường luôn chú trọng thực hiện công tác tự đánh giá, kiểm định các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ÐT và AUN-QA. Hiện nay, Trường ÐH Cần Thơ tổ chức đào tạo 117 chương trình đào tạo ÐH, 72 ngành và chuyên ngành sau ÐH. Trường có 9 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn chất lượng của Bộ GD&ÐT và 20 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn chất lượng của AUN-QA. Theo kết quả xếp hạng lĩnh vực được QS công bố, nhóm ngành Nông – Lâm nghiệp của Trường ÐH Cần Thơ tiếp tục nằm trong nhóm hạng 301-350, đứng đầu ở Việt Nam. Nhà trường tiếp tục kế hoạch và triển khai đánh giá Trường ÐH Cần Thơ chu kỳ 2; kiểm định nội bộ và kiểm định ngoài các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ÐT và tiêu chuẩn AUN-QA.
Tại Trường ÐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, thời gian qua Ðảng ủy, Ban Giám hiệu luôn chú trọng, nghiêm túc thực hiện chủ trương của Bộ GD&ÐT về công tác đảm bảo CLGD; thực hiện KÐCL trường ÐH và KÐCLGD chương trình đào tạo để tìm ra những tồn tại, hạn chế, từ đó xây dựng kế hoạch điều chỉnh, cải tiến ngày càng hoàn thiện hơn. Nhà trường đã thành lập Hội đồng tự đánh giá và xây dựng kế hoạch tự đánh giá CSGDÐH giai đoạn 2015-2019; xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng giai đoạn 2018-2020, giai đoạn 2020-2025; xây dựng và ban hành chính sách đảm bảo chất lượng, hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong… Vì vậy, hơn 10 năm qua, nguồn lực của trường đáp ứng yêu cầu đào tạo, với 93,5% đội ngũ viên chức, giảng viên đạt trình độ thạc sĩ trở lên, đảm bảo đáp ứng quy mô hơn 5.000 sinh viên; tỷ lệ sinh viên của trường có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 92%. Năm 2021, trường được công nhận đạt chuẩn KÐCLGD và 1 chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm được công nhận đạt chuẩn KÐCL. Năm 2023, trường được đánh giá nằm trong tốp 100 trường ÐH hàng đầu Việt Nam. Ðây là bước tiến lớn, minh chứng rõ nét cho CLGD và sự nỗ lực của tập thể nhà trường.
TS Tạ Thị Thu Hiền (phải), Giám đốc Trung tâm KĐCLGD – ĐH Quốc gia Hà Nội trao Chứng nhận đạt chuẩn KĐCLGD (chu kỳ 2) đến lãnh đạo Trường ĐH Nam Cần Thơ.
Theo lãnh đạo Trường ÐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, đó là nền tảng để tập thể nhà trường nỗ lực xây dựng đến năm 2030 trở thành trường ÐH theo định hướng ứng dụng, quản lý liên ngành kỹ thuật – công nghệ phù hợp với xu thế phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
TS Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường ÐH Nam Cần Thơ cho rằng, dựa trên kết quả KÐCLGD, nhà trường có cơ sở xác định chính xác những điểm mạnh và tồn tại để từ đó xây dựng kế hoạch cải tiến, nâng cao CLGD của trường. Trên cơ sở đó, nhà trường đặt ra những mục tiêu: xây dựng và hoàn thiện cơ cấu ngành đào tạo, chương trình đào tạo, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chương trình đào tạo được nâng chất theo hướng cung cấp tri thức cơ bản, tổng hợp và kỹ năng hiện đại, sáng tạo, tiếp cận theo hướng chuẩn khu vực và quốc tế. Ðịnh hướng đến năm 2027, trường tiến hành kiểm định 100% các chương trình đào tạo.
* * *
TP Cần Thơ hiện có 5 trường ÐH công lập và ngoài công lập; 2 phân hiệu ÐH. Các trường đều đẩy mạnh hoạt động KÐCLGD – cơ chế giúp nhà trường có giải pháp cụ thể để cải tiến, nâng cao chất lượng trong quản trị, điều hành và đảm bảo chất lượng mọi mặt hoạt động, khẳng định chất lượng, thương hiệu đào tạo.