Sau mỗi vụ lúa, người dân xã Thào Chư Phìn (Si Ma Cai) lại cần mẫn chia thóc thành từng phần, phần lớn là lương thực cho cả gia đình ăn, phần được chia ra để làm giống cho vụ sau, phần thóc xấu hơn chia cho lợn, cho gà… Đặc biệt hơn hết, người dân của “xứ sở hoa đào” luôn dành một phần thóc để đóng góp cho “sự học”.
Thào Chư Phìn gồm những bản nhỏ người Mông quần cư. Những ngôi nhà nhỏ nép dưới rặng cây hoa đào (trong tiếng Mông, Thào Chư Phìn có nghĩa là làng hoa đào). Hơn 30 năm trước, đời sống người dân nơi đây vẫn phải “chạy ăn từng bữa”. Đây cũng là xã “trắng” về giáo dục.
Trong căn nhà nhỏ, những bức tường đất nẻ khô vì nắng hè. Cô học trò Hoàng Thị Dung vừa kết thúc năm học lớp 6 ở nhà trông 3 em. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhưng Dung có tinh thần ham học, kết quả học tập luôn đạt cao. Năm học vừa qua, Dung đạt danh hiệu học sinh có thành tích vượt bậc, được nhận giấy khen của trường và được nhận phần quà biểu dương, khen thưởng của Hội Khuyến học xã Thào Chư Phìn. Cầm phần quà nhỏ khoe với chúng tôi, cô học trò bộc bạch: Được phần thưởng, em vui lắm.
Dung cũng như những đứa trẻ khác của “xứ sở hoa đào” lớn lên, tới lớp bằng các chính sách hỗ trợ giáo dục cũng như từ những bữa cơm bán trú dân nuôi. Mô hình bán trú dân nuôi được triển khai ở nhiều địa phương nhưng tại Thào Chư Phìn thì đây có thể coi là một “đặc sản”. Sự ra đời của mô hình là một câu chuyện dài, không nhiều người biết nhưng hơn ai hết, người dân Thào Chư Phìn luôn ủng hộ để mô hình được duy trì đến nay.
Ngược thời gian khoảng hơn 30 năm trước, những lớp học ở “xứ sở hoa đào” đều là nhà tranh, vách nứa, việc đến trường của trẻ em thời điểm đó ít được quan tâm. Cũng bởi đói nghèo, nhiều học sinh đến trường rồi lại nghỉ vì phải đi làm cùng cha mẹ để lo cho ấm bụng. Để thế hệ con em mình được đến trường, người dân Thào Chư Phìn đã đồng lòng hưởng ứng, góp thóc, góp gạo nuôi học sinh. Dù còn nghèo đói, nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng tham gia đóng góp, thậm chí có hộ chấp nhận ăn củ mài để dành thóc cho con đi học. Mô hình bán trú dân nuôi của Thào Chư Phìn ra đời như thế và cũng là mô hình đầu tiên của cả huyện, sau này được rất nhiều trường học trong tỉnh học tập, làm theo.
Như đã trở thành truyền thống, chẳng ai bảo ai, hằng năm, người dân Thào Chư Phìn đều dành một phần thóc để đóng góp cho học tập. Thóc vì thế trở thành một loại quỹ của Hội Khuyến học xã. Thông thường, mỗi hộ góp 10 kg thóc hoặc 2 kg gạo ủng hộ các trường nấu ăn cho học sinh bán trú. Nhiều gia đình không có con em đến lớp, hoặc hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn nhiệt tình ủng hộ bởi đây là quy ước, hương ước, thể hiện trách nhiệm chung của cộng đồng trong công tác khuyến học tại các thôn, bản.
Dòng họ Vàng có 52 hội viên, trong đó, 22 hội viên hội đồng. Mặc dù trong dòng họ còn nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng hằng năm, mọi người vẫn tham gia góp thóc cho học sinh. Ông Vàng Seo Vu, Trưởng thôn Hô Sáo Chải là một trong những hội viên tiêu biểu của dòng họ Vàng. Ông Vu cho biết: Hơn 5 tạ thóc mà dòng họ Vàng đóng góp được chuyển đến cho trường mầm non của thôn, cung cấp lương thực để nấu ăn cho học sinh. Dòng họ Vàng cũng vinh dự là 1 trong 5 dòng họ học tập tiêu biểu của xã Thào Chư Phìn.
Tương tự dòng họ Vàng, các dòng họ khác như Ly, Ma, Thào… cũng luôn quan tâm đến sự học của thế hệ trẻ. Hiện nay, phần lớn học sinh trong xã được Chính phủ hỗ trợ gạo hằng tháng, nhưng việc đóng góp lương thực vẫn được thực hiện. Việc góp thóc, gạo được duy trì như một hình thức góp quỹ cho hoạt động khuyến học của địa phương. Năm 2023, Hội Khuyến học xã huy động đóng góp từ Nhân dân được 6 tấn thóc cho học sinh mầm non và hơn 500 kg gạo ủng hộ học sinh bán trú của các trường tiểu học và THCS trong xã.
Theo ông Sùng A Dín, Phó Chủ tịch UBND xã Thào Chư Phìn, việc góp thóc, góp gạo là một trong những truyền thống tốt đẹp được người dân địa phương gìn giữ, thể hiện rõ nhất sự quan tâm đối với công tác khuyến học, khuyến tài. Đối với từng đối tượng cụ thể, Hội Khuyến học xã có những hỗ trợ phù hợp. Các cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ, có kết quả học tập tốt sẽ được tuyên dương, khen thưởng, hỗ trợ lương thực.
Việc học tập không chỉ là việc riêng của ngành giáo dục, không phải câu chuyện của nhà trường với học sinh, mà là trách nhiệm chung của cộng đồng. Với sự đồng thuận cao, Thào Chư Phìn luôn là địa phương được biết đến bởi tinh thần hiếu học và là điển hình trong phong trào khuyến học của huyện Si Ma Cai.
Từ những “hạt thóc vàng” được kết tinh bởi mồ hôi, công sức của người dân, những ước mơ của bao thế hệ học sinh của “xứ sở hoa đào” tiếp tục được nuôi dưỡng. Cũng từ những “hạt thóc vàng” gửi gắm niềm tin đến trường nuôi học sinh, Thào Chư Phìn từ “xã trắng” về giáo dục trở thành điểm sáng tại Si Ma Cai.