Đang giữa tháng 7.2023, trong thời gian nghỉ hè, nhiều phụ huynh, học sinh đã có nhu cầu mua sách giáo khoa để chuẩn bị cho năm học mới. Làm thế nào để mua được đầy đủ bộ sách giáo khoa đúng theo chương trình con đang học tại trường là điều nhiều phụ huynh quan tâm.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, TP.HCM cho biết tới thời điểm này, các trường tiểu học, THCS tại quận đã công bố với phụ huynh học sinh các bộ sách giáo khoa mà con em mình học trong năm học mới để phụ huynh nắm thông tin.
Theo ông Tuyên, trước nguy cơ sách giả, sách in lậu xuất hiện trên thị trường, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã đưa ra cảnh báo và Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân khuyên phụ huynh học sinh có thể đăng ký mua sách giáo khoa ở trong trường. “Việc đăng ký mua sách trong trường giúp phụ huynh học sinh mua đúng sách, đủ sách, tránh nguy cơ mua phải sách giả, sách in lậu ngoài thị trường”, ông Tuyên nói.
Sáng nay (14.7), cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM, cũng cho biết với học sinh lớp 1, đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh, nhà trường mới hướng dẫn cha mẹ học sinh đăng ký mua sách giáo khoa.
“Với học sinh lớp 4 (năm nay học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 – PV), giáo viên chủ nhiệm cũng thông tin đến cha mẹ học sinh đợi đến khi học sinh tập trung đầu năm học mới đăng ký mua sách giáo khoa theo trường. Nhà trường mua hộ sách để tránh nguy cơ mua phải sách giả”, cô Hương nói.
Làm sao phân biệt sách giáo khoa thật, sách giả?
Tại nhiều nhà sách trên địa bàn TP.HCM, những ngày qua không khí rất sôi động. Nhiều học sinh mong muốn sớm mua được bộ sách giáo khoa để có thể tìm hiểu trước nội dung sẽ học trong năm mới.
Không chỉ vậy, thị trường mua sách trực tuyến cũng rất sôi động. Nhiều “chợ sách” trên mạng được mở ra, giới thiệu với phụ huynh là cung cấp tất cả bộ sách giáo khoa, từ lớp 1 tới lớp 12.
Thời gian vừa qua, tại một số địa phương, qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm đầu sách giáo khoa giả. Sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bị in lậu.
Làm thế nào để phân biệt được sách thật và sách giả? Mới đây, Fanpage chính thức của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có bài viết cảnh báo nguy cơ sách giả, cách thức phân biệt sách thật và sách giả (sách in lậu) tới phụ huynh, học sinh và giáo viên.
Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách in lậu là sách do các cá nhân/đơn vị tự sao chụp/ scan từ tựa sách thật rồi in lại, với nội dung và cách trình bày giống sách thật. Nhiều cuốn sách in lậu không đảm bảo đầy đủ nội dung, chất lượng hình minh họa để tiết kiệm chi phí in ấn. Sách in lậu được bán ra với nhiều mức giá khác nhau, có thể thấp hơn, nhưng cũng có nơi bán sách lậu ngang với giá niêm yết trên bìa của sách thật.
Sách in lậu thường bị cắt xén, có khổ sách nhỏ hơn sách thật, đóng gáy cẩu thả, gáy sách mỏng dễ bị bong rời các trang, thiếu trang. Sách in lậu thường in ấn kém chất lượng hơn sách thật, sử dụng giấy in chất lượng thấp, không sử dụng các công nghệ in đặc biệt (ép nhũ, cán mờ…).
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hướng dẫn phụ huynh, học sinh cách phân biệt sách thật, sách in lậu
FANPAGE NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Khi mua phải sách in lậu, sách kém chất lượng, người tiêu dùng đã vô tình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân, học sinh không được sử dụng những cuốn sách chất lượng, được bảo hộ nguồn gốc. Các hình ảnh, nội dung trong sách bị nhòe, mờ, không rõ nét dẫn đến việc thị lực bị suy giảm nếu sử dụng sách kém chất lượng trong thời gian dài. Một số nội dung trong sách in lậu được đánh máy lại nhưng không qua các khâu kiểm duyệt như sách thật, có thể làm sai lệch kiến thức.
Với sách giả, trên các mã tem vì được in cùng một mã số seri nên không kích hoạt được. Nếu mua phải sách giả, học sinh không thể truy cập và sử dụng kho học liệu điện tử của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Tại TP.HCM thì mua sách giáo khoa tại đâu?
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết phụ huynh học sinh có thể mua sách giáo khoa tại:
– Cửa hàng Sách giáo dục: 231 Nguyễn Văn Cừ, P.4, Q.5 và kênh bán sách trực tuyến: https://phuongnamretail.vn/.
– Trung tâm Sách và thiết bị giáo dục miền Nam: 240 Trần Bình Trọng, P.4, Q.5.
– Nhà sách và thiết bị trường học Nguyễn Tri Phương: số 223 Nguyễn Tri Phương, P.9, Q.5.
Sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 đang tiếp tục được chuyển tới các địa phương trong tháng 7 để đảm bảo cung ứng đầy đủ trước ngày khai giảng năm học mới.
Như Báo Thanh Niên đưa tin, Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau phối hợp Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại TP.Cần Thơ hồi đầu tháng 7 tổ chức đoàn kiểm tra các công ty, cửa hàng phân phối sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm đầu sách giả các môn như: toán lớp 3, tiếng Việt lớp 3 và tiếng Anh lớp 4, tiếng Anh lớp 6… Các cửa hàng phân phối đã không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp pháp của số sách trên và đã bị phạt hành chính. Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau còn buộc tiêu hủy tất cả số lượng sách đã bị tịch thu do không có hóa đơn, chứng từ, tài liệu thể hiện nguồn gốc hợp pháp theo quy định.