Nổi tiếng với bút danh Thăng Sắc, nhưng đây là lần đầu tiên Đại sứ, nhà văn Nguyễn Chiến Thắng lấy bút danh tên thật với tác phẩm mới nhất “Chuyện kể của một Đại sứ’.
Chuyện kể của một Đại sứ được xem như một món quà mà nhà văn Nguyễn Chiến Thắng muốn dành tặng những bạn đọc đã yêu mến ông, từ những tiểu thuyết, truyện ngắn trước đây như: Ngụ cư, Chú Tư, Con là ai, Láng giềng….
Dù đã đến với văn chương vào đầu những năm 90 bằng những truyện ngắn đầu tiên đăng trên Báo Người Hà Nội, nhưng do công việc chuyên môn khá bận rộn, lại hay thay đổi từ nước này qua nước khác theo nhiệm kỳ, nên ông không có thời gian chuyên tâm dành cho việc viết lách.
Bởi vậy, ông chỉ viết nhẩn nha, thong thả về những điều mình thấy, nghĩ, trăn trở…
Mỗi gương mặt một phận người
Đây là nội dung phần đầu tiên trong cuốn sách với rất nhiều nhân vật đáng chú ý như Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Quốc vương Shihamoni, Thủ tướng Hun Sen, cựu hoàng Shihanouk…
Nhà văn Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ tại lễ ra mắt sách mới đây. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Nhà văn Nguyễn Chiến Thắng giải thích rằng, sở dĩ lần này ông dùng tên thật bởi vì cuốn sách được ông viết về những năm tháng làm ngoại giao với nhiều tình tiết, con người, câu chuyện có thật từ những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các chính khách.
Ngoài ra, có nhiều câu chuyện thú vị khác như Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và anh nhà báo Italy; bà Hồ Thể Lan – con gái của GS. Hồ Đắc Di và cũng người phát ngôn lâu nhất trong lịch sử Bộ Ngoại giao (9 năm); nhà văn, nhà báo người Pháp nổi tiếng Madeleine Riffaud – người được xem là có mối tình trong sáng với nhà thơ Nguyễn Đình Thi, ông Vũ Mão – người vác tù và hữu nghị…
Trong cuốn sách có một nhân vật khá đặc biệt được tác giả nhắc đến, đó là Thái tử Bảo Long, con trai cựu hoàng Bảo Đại.
Có thể thấy, những thông tin phong phú, mang đậm màu sắc văn hóa – lịch sử trong cuốn sách giúp độc giả thấy được phần nào vai trò của một đại sứ – người đại diện cho một quốc gia, dân tộc trên phương diện đối ngoại.
Điều đặc biệt, vị đại sứ này là nhà văn, cho nên cái nhìn của ông về mọi sự kiện, sự việc, con người có nhiều liên tưởng tinh tế và sâu sắc.
Những mẩu chuyện ký ức
Nhà văn Nguyễn Chiến Thắng cho biết ông đã ba lần có vinh dự được Chủ tịch nước bổ nhiệm đại sứ: lần thứ nhất là Đại sứ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Mali và Cộng hòa Arab Sahrawi Dân chủ, lần thứ hai tại Pháp kiêm nhiệm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và lần thứ ba tại đất nước Campuchia láng giềng.
Nhờ thế, ông đã bảy lần vinh dự trình Quốc thư lên các vị nguyên thủ những nước kể trên, mỗi lần đều thấm thía sâu sắc sứ mệnh phụng sự Tổ quốc của một Đại sứ.
Với quãng thời gian đi làm nghề thâm niên như vậy nhưng cuốn sách của ông lại không phải hồi ký, không phải tự truyện, không có đánh giá hoặc thể hiện những báo cáo sơ kết, tổng kết các hoạt động đối ngoại của cơ quan.
“Miền ký ức” trong cuốn sách là với các câu chuyện như Lần đầu trình Quốc thư, Món ngon nhớ lâu, Lạc vào cõi say, Một lần đi Siem Reap…
Nhà văn chia sẻ: “Đây chỉ là ghi chép những mẩu chuyện ký ức một thời làm việc, nay đã nghỉ hưu thì trích ra đem in, mong được chia sẻ vài suy nghĩ cá nhân, cũng là để bày tỏ lòng biết ơn của tôi tới những người và những nơi ông may mắn được công tác với cương vị một Đại sứ”.
Nhận xét về cuốn sách, nhà văn Đỗ Bích Thúy cho biết, Chuyện của một Đại sứ được viết với văn phong giản dị, thong thả cùng cái nhìn nhân hậu, ấm áp, giàu tình người. Thái độ viết ấy là của một người làm ngoại giao và bên trong nhà ngoại giao ấy là một nhà văn có trái tim ấm áp.
Tuy nhiên, bên cạnh các chuyện vui, những trang viết của ông chứa đựng đầy nỗi niềm xúc động khi kể về câu chuyện đáng tiếc: Tham tán thương mại ở Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria Bùi Giang Tô bị khủng bố giết hại.
Tác giả viết: “Tôi nhớ khi tôi đi trình Thư Uỷ nhiệm ở Sahrawi Dân chủ, lễ tân nước bạn đưa chúng tôi đi thăm sa mạc. Sa mạc có vẻ đẹp lạ lùng lắm, lạ nhất là có những đoá hoa đỏ, đỏ như máu bật lên từ cát khô cằn. Tôi chụp ảnh để làm bưu thiếp gửi về Hà Nội khoe với bạn bè, gọi đó là những bông huyết sa, máu của cát.
Những bưu thiếp ấy tôi nhờ anh Tô cầm về. Trong số di vật của anh Tô mà người ta còn nhặt lại được có tấm thiếp tôi gửi, góc thiếp có dính máu. Đấy là những ấn tượng ám ảnh và hiện thực nhất của tôi, một Đại sứ, về chủ nghĩa khủng bố lúc bấy giờ”.
Với họa sĩ Phạm Hà Hải – người phụ trách mỹ thuật của cuốn sách, thì nhà văn Nguyễn Chiến Thắng đã đưa người đọc di dọc trở lại năm tháng làm Đại sứ của ông, nhờ đôi mắt, trí não, tâm hồn ông để thấy và cảm nhận về con người, nơi chốn cùng văn hóa và lịch sử mà ông đã tiếp xúc và trải nghiệm.
Bìa cuốn sách do Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Hoạ sĩ nhận định: “Từng câu chuyện như từng lớp sóng, lấp lánh nối quá khứ và hiện tại. Với cách kể giản dị, có những đoạn, ông như kéo tay người đọc cùng ngồi lại điềm tĩnh đối thoại, ngẫm nghĩ và cảm thán. Có nhiều chi tiết cuốn hút khi đọc từng trang ký ức về cố nhân, những nhà lãnh đạo cấp cao, bạn bè quốc tế, đồng nghiệp, đồng hương, người thân…
Cuốn sách giống như hai quá trình của một cuộc đời Đại sứ – Nhà văn: Thu thế giới vào trong mình để rồi lại trút mình vào thế giới, ở đấy có tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc, nỗi khát khao hòa bình hữu nghị và lòng biết ơn. Và không phải không có chút day dứt buồn…”.
Nhà văn Nguyễn Chiến Thắng khép lại cuốn sách khoảng 300 chữ với câu chuyện về phu nhân Đại sứ và bài tự sự đầy cảm xúc về những năm tháng nghỉ hưu mang tên Những vì sao.
Người đọc sẽ nhớ đến câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà ông rất tâm đắc và nhắc lại trong cuốn sách: “Chúng tôi, những Đại sứ, chúng tôi có chỗ dựa đằng sau mình là cả một lịch sử bốn nghìn năm và một dân tộc anh hùng”.