Hàng nghìn phụ huynh cùng sĩ tử đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám cầu xin may mắn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sắp tới.
Học sinh dâng lễ cầu may ở Văn Miếu. Ảnh: LĐO |
Lâu nay, thí sinh thường đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám sờ đầu rùa để cầu đỗ đạt. Nhưng gần đây, tiến thêm một bước nữa, đó là viết những điều ước may mắn lên lá sớ để dâng lễ.
Người ta tưởng tượng ra nhiều thứ gọi là “tâm linh” để hướng dẫn con cái thực hiện những mong đạt được tâm nguyện. Ngoài sờ đầu rùa, viết sớ, nay thêm “màn” dùng ngón tay chạm lên lớp vải nhung, nơi có dòng chữ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Thân Nhân Trung để xin đỗ đạt, trở thành hiền tài.
Phụ huynh và thí sinh đến dâng lễ, tay cầm tiền, lâm râm khấn vái, nhìn hình ảnh này, không thể nói gì hơn là mê tín, mê muội. Lại tiền, lại trả giá, lại mua bán với thần linh. Mới đây, trước kỳ thi vào lớp 10 công lập, nhiều phụ huynh và thí sinh đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám cầu khấn. Họ mang “Phiếu báo thi vào lớp 10”, soạn văn khấn ghi đầy đủ họ tên, số báo danh của con. Trên bàn để lễ vật, nhiều gia đình mang theo cả bút, số báo danh để cầu may cho con.
Nhưng chưa hết, còn thêm một thứ nữa, đó là bói đề thi. Lại xuất hiện thêm trò bói toán trong chuyện thi cử.
“Năm nay, học sinh bói đề và đang đặt niềm tin vào các tác phẩm: Người lái đò Sông Đà, Vợ chồng A Phủ, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Vợ Nhặt, Đất nước, Tây Tiến. Học sinh không nên dự đoán (bói đề), điều này rất nguy hiểm vì Bộ không có chỉ dẫn nào về việc khoanh vùng các tác phẩm, hầu hết kì thi các năm vẫn gây bất ngờ với các thí sinh học tủ. Việc ôn trọng tâm, toàn diện sẽ giúp các em có tâm thế chủ động, tự tin để hoàn thành tốt bài thi”- cô Đình Thị Thủy, giáo viên Phenikaa School chia sẻ trên báo một số lưu ý học sinh khi ôn thi.
Đã đến lúc chúng ta nghiêm túc phân tích, nhìn nhận lại hoạt động được xem là “tập quán văn hóa” này, để xác định có cần thiết “bảo tồn” hay nên dẹp bỏ đi.
Đối với thế hệ con cái chúng ta, các bạn trẻ sẽ là công dân toàn cầu, hội nhập thế giới văn minh, không thể tin vào những điều phi khoa học như vậy.
Ai cũng hô hào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ 4.0, nhưng lại đưa con đi cầu xin, khấn vái để thi cử đỗ đạt, đó là điều quá xa lạ với thế giới văn minh. Nếu để con cái chúng ta bị ảnh hưởng bởi mê tín, tin vào thần thánh phù trợ hơn là nỗ lực học tập và bản thân, sẽ có hại không phải cho một số người mà ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều thế hệ.