Ngày 28-6, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành 6 tháng qua chỉ đạt 27,2% (3.225 tỷ đồng). Có 5/11 bộ, ngành có giải ngân.
Trong đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đạt tỷ lệ hơn 47%, Bộ GTVT gần 31%, Bộ NN-PTNT hơn 30%; có 2 bộ giải ngân rất ít là Bộ TN-MT tỷ lệ hơn 4%, Bộ GD-ĐT trên 5%.
Còn với các địa phương, tỷ lệ giải ngân cũng chỉ đạt 7,6% kế hoạch. Trong đó, 8/50 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, 13/50 địa phương chưa giải ngân vốn ngân sách Trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Nguyên nhân giải ngân chậm vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài được Bộ Tài chính chỉ ra là do: dự án được bố trí vốn, hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai công tác sẵn sàng cho đầu tư (như: chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế…); chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn tới chậm ký kết hợp đồng; chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, hồ sơ có liên quan… “Các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ”, báo cáo của Bộ Tài chính chỉ rõ.
Một trong những kiến nghị được Bộ Tài chính đưa ra là các cơ quan chủ quản rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án, trong đó tập trung vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành, sắp hoàn thành. Nếu dự án không đủ khả năng giải ngân do vướng mắc đã quá lâu không giải quyết được thì đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn. Đồng thời, cơ quan chủ quản phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và các cơ quan liên quan để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các dự án có thay đổi; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình giải ngân vốn ODA gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính theo đúng quy định… Bộ Tài chính cũng kiến nghị Bộ KH-ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chế tài xử lý và kiến nghị không giao kế hoạch vốn năm tiếp theo khi dự án vướng mắc chưa được khắc phục, giải quyết.
Nguyên nhân, giải pháp được nêu trên đa phần không mới và được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay mỗi khi đề cập đến việc giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài chậm. Trong đó, nguyên nhân phần nhiều là chủ quan, liên quan đến yếu tố con người. Tại sao tình trạng này cứ tiếp diễn nhiều năm? Vấn đề có lẽ nằm ở kỷ cương, kỷ luật, xử lý trách nhiệm.
Giải ngân nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài nói riêng, đầu tư công nói chung đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% của năm 2023. Điều này cũng được nêu trong báo cáo thẩm tra về kinh tế – xã hội của Ủy ban Kinh tế đưa ra tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua. Cơ quan này đề nghị Chính phủ triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Tại thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về giải ngân vốn đầu tư công do Văn phòng Chính phủ phát hành mới đây cũng nêu rõ, năm 2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, cũng như xử lý tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ vì lý do chủ quan; xử lý nghiêm chủ đầu tư thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ… Chế tài với tâm lý sợ trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, chủ đầu tư trong giải ngân, rõ ràng đang là một đòi hỏi bức thiết từ thực tế khi mà tình trạng “biết rồi, khổ lắm nói mãi” cứ diễn ra hết năm này qua năm khác.