STO – Qua 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, diện tích lúa xuống giống đạt trên 100% kế hoạch; diện tích cây ăn trái đạt hơn 28.400ha, trong đó diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ 13.439ha; đàn gia súc tăng trên 7% so cùng kỳ… Để thông tin chi tiết hơn về kết quả trên, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có buổi phỏng vấn đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng về thuận lợi, khó khăn của ngành Nông nghiệp tỉnh đầu năm đến nay.
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU
Phóng viên: Xin đồng chí thông tin về những khó khăn gặp phải và kết quả sản xuất nông nghiệp mà ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023?
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Có thể nói 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng, thả nuôi tôm chậm hơn so cùng kỳ. Mặt khác, giá vật tư đầu vào tăng cao, trong khi đó giá một số sản phẩm nông sản, thủy sản giảm làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người dân. Tuy nhiên, với sự quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của cấp trên giao, ngành Nông nghiệp đã triển khai sản xuất nông nghiệp đạt một số kết quả nổi bật. Cụ thể, toàn tỉnh xuống giống được 323.392ha lúa/317.000ha kế hoạch, đã thu hoạch 185.392ha, sản lượng 1,24 triệu tấn, đạt trên 62% kế hoạch, trong đó sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm gần 97% và sản lượng lúa đặc sản, thơm các loại chiếm hơn 60%. Diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là 11.168ha. Lúa tiêu thụ thuận lợi, giá cao hơn cùng kỳ năm trước từ 150 – 1.150 đồng/kg.
Về lĩnh vực cây ăn trái, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh là 28.447ha, tăng 0,05% so với cùng kỳ, trong đó diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ 13.439ha. Có 94 mã số vùng trồng, diện tích hơn 584ha. Theo đó, việc tiêu thụ trái cây thuận lợi, giá bán tăng từ 2.000 – 14.000 đồng/kg (mít, nhãn, vú sữa, bưởi…). Đối với lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có tổng đàn gia súc 249.042 con, tăng 7,8% so cùng kỳ, trong đó đàn heo 182.172 con, tăng 15%; đàn bò 53.700 con, tăng 0,37%; đàn dê 10.550 con, tăng 2,38%. Tổng đàn gia cầm hơn 7 triệu con, tăng 0,83%. Sản lượng thịt gia súc xuất chuồng ước 19.285 tấn, tăng 10% so cùng kỳ. Riêng thủy sản, đã thả nuôi diện tích 37.394/74.000 ha, đạt hơn 50% kế hoạch, trong đó diện tích thả nuôi tôm nước lợ hơn 29.500/51.000ha kế hoạch.
Về lĩnh vực lâm nghiệp, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp đơn vị liên quan và địa phương tổ chức trồng 2.000 cây mắm tại khu vực rừng phòng hộ ven biển, tại thị xã Vĩnh Châu; tổ chức trồng 4.050 cây xanh tại thị xã Ngã Năm. Phát triển trồng rừng tập trung gần 54ha. Trong lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn, đã nâng cấp, mở rộng tuyến ống mạng cấp nước với tổng chiều dài 59.836m phục vụ cho 1.401 hộ. Thực hiện 3 công trình cấp nước tập trung tại xã Kế Thành (huyện Kế Sách), xã Lâm Tân (huyện Thạnh Trị), xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú). Về công tác quản lý Cảng cá Trần Đề, đã tổ chức khai thác, vận hành cảng 24/24 giờ để phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân. Số tàu thuyền cập cảng 7.300 lượt; số phương tiện vận tải qua cảng 14.000 lượt; số lượng hàng hóa qua cảng 64.000 tấn…
Phóng viên: Xin đồng chí thông tin thêm về chỉ tiêu và giải pháp ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ thực hiện, nhằm hoàn thành vượt và đạt chỉ tiêu, kế hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp cấp trên giao?
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Ngành Nông nghiệp tỉnh được giao chỉ tiêu đến cuối năm 2023 sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn; diện tích cây ăn trái 29.000ha; đàn gia súc 365.500 con và đàn gia cầm 8 triệu con. Sản lượng thủy, hải sản 362.000 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi nước lợ 206.700 tấn. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 233 triệu đồng/ha. Để đạt được chỉ tiêu trên, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: triển khai tốt Dự án Phát triển lúa đặc sản; Dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bố trí cơ cấu lại mùa vụ sản xuất phù hợp với lợi thế của từng vùng, giảm canh tác lúa vụ 3 ở những vùng có điều kiện khó khăn. Hỗ trợ nông dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ sản xuất theo quy trình GAP, VietGAP, GlobalGAP… trên cây trồng.
Bên cạnh đó, chủ động phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, thực hiện công tác tái đàn, hướng dẫn hộ dân chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Quản lý nuôi tôm nước lợ theo khung mùa vụ và thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường vùng nuôi, nhằm đưa ra các khuyến cáo cho hộ dân nuôi trồng thủy sản đạt năng suất, sản lượng, hạn chế thiệt hại. Tổ chức gia cố các đoạn đê, bờ bao xung yếu có nguy cơ tràn, sạt lở, vỡ đê gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp của người dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp…
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!
THÚY LIỄU (thực hiện)