Các bên tại Sudan đã thể hiện sự ủng hộ của Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia láng giềng của Sudan được tổ chức ngày 13/7 tại thủ đô Cairo, Ai Cập.
Hội nghị thượng đỉnh các nước láng giềng Sudan do Ai Cập chủ trì ngày 13/7 đã ra Tuyên bố chung. (Nguồn: AP) |
Chính phủ lâm thời Sudan đánh giá cao kết quả của hội nghị thượng đỉnh và gửi lời cảm ơn tới Ai Cập và Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi vì đã tổ chức sự kiện quan trọng này.
Trong khi đó, Lực lượng phản ứng nhanh (RSF) cũng hoan nghênh tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh. Đồng thời, nhóm này cũng khẳng định ủng hộ các nỗ lực của khu vực và quốc tế nhằm chấm dứt xung đột ở Sudan. RSF kêu kêu gọi các bên liên quan thúc đẩy nỗ lực chung, hướn tới một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Sudan càng sớm càng tốt.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi đã chủ trì Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia láng giềng của Sudan, với sự tham dự của lãnh đạo Libya, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, Ethiopia và Eritrea, cùng với Tổng thư ký Liên đoàn Arab và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC).
Tuyên bố chung của Hội nghị đã nhất trí thiết lập một cơ chế cấp ngoại trưởng. Thông qua cơ chế này, các chính phủ trong khu vực có thể phối hợp nỗ lực để giải quyết cuộc xung đột hiện nay tại Sudan. Tuyên bố cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Sudan tiến hành đối thoại để khởi động một tiến trình hòa bình chính trị toàn diện.
Trong một tin liên quan, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) cho biết đã phát hiện một nghĩa trang tập thể ngoài thành phố El-Geneina, Tây Darfur, Sudan. Ítt nhất 87 thi thể, bao gồm một số người thuộc dân tộc thiểu số Masalit, đã được phát hiện tại đây.
Quá trình điều tra và khám nghiệm ban đầu cho thấy 37 thi thể đầu tiên đã được chôn vào ngày 20/6; 50 thi thể còn lại được chôn vào ngày hôm sau. Trong số các nạn nhân nêu trên có 7 phụ nữ và 7 trẻ em.
Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk đã kịch liệt lên án vụ việc nêu trên, đồng thời kêu gọi các bên nhanh chóng tiến hành điều tra một cách minh bạch, cụ thể.
Về phần mình, một quan chức cấp cao giấu tên của RSF nêu rõ lực lượng này “phủ nhận mọi sự liên hệ với những sự kiện ở Tây Darfur. Chúng tôi không phải là một bên tại đây và chúng tôi không liên quan tới xung đột này, bởi đây là xung đột giữa các bộ lạc”.