Thời gian qua, thông tin rau củ phun, nhúng hóa chất độc hại; tôm bơm tạp chất; thịt, nội tạng động vật đông lạnh nhập lậu không rõ nguồn gốc… liên tục bị các cơ quan chức năng phát hiện trở thành mối bận tâm thường trực và là nỗi lo lớn đối với toàn xã hội. Trong khi đó, công tác kiểm tra, phát hiện thực phẩm “bẩn” vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn.
Mua bán thực phẩm đông lạnh, đóng gói tại các chợ truyền thống.
Tràn lan thực phẩm không đảm bảo an toàn
Thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo an toàn được tuồn vào thị trường qua nhiều phương thức khác nhau và đa dạng chủng loại, chủ yếu là dưới dạng nguyên liệu được các cơ sở đông lạnh, chế biến, sơ chế, đóng gói rồi xâm nhập vào các chợ, điểm bán nhỏ lẻ, các quán ăn. Điểm khá giống nhau là số thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) bị lực lượng chức năng cả nước phát hiện và thu giữ đều có số lượng lớn, không có nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí còn đang trong quá trình phân hủy…
Tuy tình hình vi phạm kinh doanh thực phẩm “bẩn”, kinh doanh thực phẩm nhập lậu ở tỉnh Bạc Liêu không “nóng” như các địa phương khác, thế nhưng qua quá trình kiểm tra, kiểm soát, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng.
Cụ thể như mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (Công an tỉnh) cho tiến hành dừng ô tô tải biển kiểm soát 69C-048.67 điều khiển trên tuyến Quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn ấp 14, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện phương tiện đang vận chuyển 230kg các loại thực phẩm đông lạnh có chữ nước ngoài, tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ kèm theo của lô hàng trên.
Trước đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng đã phát hiện hơn 3,7 tấn đậu nành, đậu xanh không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ do cơ sở kinh doanh thực phẩm của ông H.A (Phường 7, TP. Bạc Liêu) làm chủ đã bị lập biên bản thu giữ khi chuẩn bị đem ra thị trường tiêu thụ. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng trong tỉnh cũng đã phát hiện nhiều phương tiện vận chuyển tôm chứa tạp chất đang trên đường tiêu thụ…
Thực phẩm không an toàn luôn rình rập, tuồn vào bữa ăn của người dân, trong khi đó, hằng ngày người dân vẫn phải mua và sử dụng thực phẩm bằng sự tin tưởng vào người bán. Mặt khác, một bộ phận người dân đời sống kinh tế còn khó khăn nên vẫn chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ, mặc dù biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe có thể xảy ra.
Lực lượng chức năng tiêu hủy trà không rõ nguồn gốc. Ảnh: T.Q
Siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát thị trường
Sử dụng thực phẩm “bẩn” có thể không gây hậu quả ngay nhưng tiềm ẩn hậu quả nặng nề cho người sử dụng. Theo các chuyên gia, thực phẩm nhiễm chất độc hại có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, bán cấp tính, nếu sử dụng kéo dài liên tục hoặc không liên tục sẽ tích lũy trong cơ thể, đến một thời điểm nào đó gây ra những bệnh lý nghiêm trọng như: ung thư, rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân, vô sinh…
Để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng, cơ quan chức năng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các cơ sở, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm. Quá trình kiểm tra phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cơ sở kinh doanh và ý thức cảnh giác cho người dân trước các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cuộc chiến chống lại thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo ATTP chưa lúc nào hết khó khăn. Mặc dù các cơ quan chức năng nỗ lực vào cuộc, thế nhưng, công tác này vẫn còn một số hạn chế, do một số quy định pháp luật chưa thống nhất, đồng bộ; mức xử phạt còn nhẹ, chủ yếu là nhắc nhở, tuyên truyền nên không đủ sức răn đe; quá trình triển khai thực hiện đôi khi còn chồng chéo. Trong khi đó, lực lượng chuyên ngành còn ít, chỉ đủ quân số để thanh tra, kiểm tra tại các chợ đầu mối, cửa hàng, chợ dân sinh, hệ thống siêu thị trong khi mặt hàng này len lỏi bày bán ở khắp nơi, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Việc mua bán cũng như chất lượng hàng hóa rất khó kiểm soát, quản lý, kiểm tra vì người mua và người bán trao đổi qua tin nhắn, điện thoại, không có địa chỉ kho hàng…
Chính vì vậy, để có thể ngăn ngừa và hạn chế có hiệu quả tình trạng thực phẩm “bẩn”, không an toàn, ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng, rất cần sự đồng hành của người dân. Khi phát hiện các hành vi vi phạm, người dân cần thông báo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời. Trong tiêu dùng, người dân không nên tiêu thụ, mua bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc và trang bị kiến thức về ATTP để tự bảo vệ mình và gia đình.
Minh Luân
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, hiện toàn tỉnh có 192 cơ sở sản xuất thực phẩm, 2.695 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 777 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập 182 đoàn thanh tra, kiểm tra 3.794 cơ sở, trong đó có 3.586 cơ sở đạt, có 208 cơ sở vi phạm, có 37 cơ sở bị hủy sản phẩm, chủ yếu là sản phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.