Khi V-League tạm nghỉ cũng là lúc các trọng tài “khăn gói quả mướp” lên đường “đi học”. Ai cũng hiểu VAR quan trọng như thế nào ở thời điểm hiện tại.
Công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) là bước ngoặt với bóng đá thế giới và được chờ đợi sẽ tạo ra thay đổi mang tính đột biến bóng đá Việt Nam. Nhưng quá trình đưa thiết bị VAR về Việt Nam và đặc biệt là công tác đào tạo trọng tài vận hành VAR mới là khâu mang tính quyết định đến việc áp dụng công nghệ này ở Việt Nam.
Mọi hình thức dạy trực tuyến hoặc giải quyết công việc trong “giờ hành chính” đều bất khả thi đối với các trọng tài. Họ vùi đầu vào thiết bị, sách vở và kiến thức mới mẻ từ 8h00 sáng cho đến 20h00.
Thực tế, quá trình tập huấn, đào tạo về VAR kéo dài từ cuối năm 2022. Các trọng tài được tập huấn kĩ càng về lý thuyết. Đến tháng 2/2023, đợt tập huấn đầu tiên về công tác vận hành VAR được tổ chức. Tuy nhiên, mức độ mô phỏng tình huống ở cấp độ đơn giản nhất. Hơn nữa, mọi hoạt động đều diễn ra trong phòng LAB.
Giữa tháng 4 là đợt tập huấn thứ 2 về vận hành công nghệ VAR. Độ khó dành cho các trọng tài được nâng lên. Các tình huống dài, lỗi khó nhận định trong khoảng 3 – 5 phút được xuất hiện ngẫu nhiên trong các trận đấu.
Hôm 8/6, các trọng tài Việt Nam chính thức được vận hành VAR với đầy đủ thiết bị và ở tình huống mô phỏng thực tế trên sân cỏ. Tổ trọng tài VAR đầu tiên được thực hành ở Việt Nam là ông Hoàng Ngọc Hà, trợ lý là các ông Nguyễn Trung Hậu và Phạm Hoài Tâm.
Hãy làm một phép tính đơn giản về quỹ thời gian của các trọng tài. Ngay khi V-League 2022 kết thúc chưa lâu, lớp tập huấn về lý thuyết vận hành công nghệ VAR được tổ chức. Sau 4 vòng đấu đầu tiên tại V-League 2023, lớp học vận hành đợt 1 được tổ chức. Lịch học của đợt 2 và đợt 3 đều phân bổ vào các quãng nghỉ của V-League.
Chúng tôi được tiếp cận một buổi học VAR do Ban Trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức với sự giám sát, hướng dẫn của đội ngũ kỹ thuật LĐBĐ thế giới. Phòng họp Ban chấp hành VFF trở thành phòng VAR lưu động. Tại đây, các trọng tài trải nghiệm một trận đấu kéo dài 90 phút và nội dung hoàn toàn ngẫu nhiên. Họ phải vận hành lý thuyết được học để xác định các tình huống cần áp dụng VAR.
Dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Phó ban Trọng tài Võ Quang Vinh và Ủy viên Võ Minh Trí, các trọng tài và trợ lý trọng tài tập trung tuyệt đối vào từng pha bóng. Suốt 2 giờ đồng hồ có mặt tại buổi học, người viết giữ im lặng gần như tuyệt đối dù bản thân vốn là người sôi nổi. Ngay cả một vị “vua áo đen” nổi tiếng hay cười như ông Nguyễn Mạnh Hải cũng để lộ chút căng thẳng trên gương mặt.
“Căng chứ, phải căng, chứ dễ thì ai chẳng làm được. Lâu nay chúng ta xem các trọng tài quốc tế kẻ vạch việt vị một tình huống mất vài phút, ở đây cũng vậy thôi. Đó là phần khó nhất rồi. Còn những cái khác, dĩ nhiên các trọng tài cũng phải làm quen dần dần thôi” – Cựu trợ lý trọng tài Phạm Mạnh Long bình luận
Gần 2 tháng sau, dưới cái nắng như đổ lửa miền Bắc, buổi vận hành công nghệ VAR ở sân ngoài trời đầu tiên được tổ chức. Các thiết bị như màn hình cung cấp hình ảnh, bộ đàm riêng, xe VAR lưu động… đều được đưa vào sử dụng. 18 trọng tài được chia làm 4 tổ và thay nhau vận hành VAR dựa vào diễn biến của một trận đấu được mô phỏng bởi các cầu thủ U17 Hà Nội. Chưa được 5 phút, những người có mặt trên sân dễ dàng nhìn thấy chiếc áo ướt sũng mồ hôi của ông Hoàng Ngọc Hà.
Lần đầu tiên luôn có những khó khăn và rào cản đến với trọng tài Hoàng Ngọc Hà theo cách khiến nhiều người phải bật cười. Suốt 10 phút đầu tiên, ông Hà luôn dễ dàng đưa ra các quyết định về thổi phạt, bắt việt vị hay các tình huống rút thẻ vàng, thẻ đỏ rất nhanh và chuẩn xác. Nếu trọng tài chính làm đúng, về nguyên tắc VAR sẽ không can thiệp.
Dĩ nhiên, trọng tài ra quyết định tốt là điều tất cả chờ đợi. Nhưng trong phạm vị buổi học về VAR, các trọng tài cần nhiều hơn thế. Ông Nguyễn Minh Ngọc – Tổng giám đốc công ty VPF – đùa vui: “Trọng tài cứ bắt thế này khi có trận đấu thật thì VAR hết việc. Mà thế là vui rồi, mọi thứ phải công bằng nhất”.
Trong hơn 1 tuần tập huấn, các trọng tài sẽ bước vào giai đoạn quan trọng nhất là điều hành trận đấu thực tế với thời lượng 90 phút. Đây được xem là bài kiểm tra quan trọng nhất với các trọng tài. Chỉ khi được FIFA công nhận, trọng tài mới có thể sử dụng VAR, và công nghệ VAR mới được áp dụng tại V-League.
Mua thiết bị VAR chỉ cần tiền, còn vận hành được VAR cần yếu tố con người. Tất cả trọng tài, VPF hay VFF đều đang nỗ lực để đưa VAR vào thực tiễn nhanh nhất, hướng đến bước chuyển mình quan trọng cho các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Thế Sơn
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ