Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại một cuộc họp báo công bố báo cáo rằng: “3,3 tỷ người không chỉ là một rủi ro hệ thống, đó là một thất bại mang tính hệ thống”.
Ông nói: “Vào năm 2022, nợ công toàn cầu đạt mức kỷ lục 92 nghìn tỷ USD và các nước đang phát triển phải gánh một khoản không tương xứng”. Theo báo cáo, số quốc gia đối mặt với mức nợ cao đã tăng mạnh từ 22 quốc gia năm 2011 lên 59 quốc gia vào năm 2022.
Tổng thư ký LHQ cho biết một phần nợ ngày càng tăng được nắm giữ bởi các chủ nợ tư nhân, những người tính lãi suất cao ngất trời đối các nước đang phát triển. Ví dụ, ông trích dẫn các quốc gia châu Phi trung bình trả tiền vay gấp bốn lần so với Mỹ và gấp tám lần so với các quốc gia giàu có nhất châu Âu.
Cuộc khủng hoảng nợ đang khiến các chính phủ không còn tiền để đầu tư vào các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc đến năm 2030, bao gồm chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực; đảm bảo mọi trẻ em đều được đi học tiểu học và trung học cơ sở có chất lượng tốt, đồng thời đầu tư chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Báo cáo cho biết nợ công đã đạt đến “mức khổng lồ” chủ yếu là do hai yếu tố: Thứ nhất, nhu cầu tài chính của các quốc gia tăng cao khi họ cố gắng chống lại tác động của các cuộc khủng hoảng liên tiếp bao gồm đại dịch COVID-19, lạm phát và biến đổi khí hậu. Thứ hai, cấu trúc tài chính toàn cầu “làm cho khả năng tiếp cận tài chính của các nước đang phát triển trở nên không đầy đủ và tốn kém”.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết 36 quốc gia có nguy cơ cao “lâm vào cảnh túng quẫn”, ông Guterres nói với các phóng viên. “16 quốc gia khác đang trả lãi suất không bền vững cho các chủ nợ tư nhân và tổng cộng 52 quốc gia – gần 40% quốc gia của thế giới đang phát triển – đang gặp rắc rối nghiêm trọng về nợ nần”.
Theo khu vực, từ năm 2010 đến năm 2022, số nợ chính phủ đã tăng gần bốn lần ở châu Á và Thái Bình Dương, ba lần ở châu Phi, 2,5 lần ở châu Âu và Trung Á, và 1,6 lần ở châu Mỹ Latinh và Caribe.
Ông Guterres cho biết hội nghị thượng đỉnh sắp tới của 20 quốc gia giàu có nhất thế giới tại Ấn Độ vào ngày 9-10 tháng 9 là cơ hội để thực hiện hành động xóa nợ và các cải cách tài chính cần thiết khác.
Mai Anh (theo AP)