Lạm phát Mỹ hạ nhiệt khiến nhà đầu tư kỳ vọng Fed ngừng tăng lãi, từ đó khiến USD yếu đi so với hàng loạt tiền tệ lớn.
Đầu phiên giao dịch 13/7, Dollar Index – đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn trên thế giới – giảm về 100,47 điểm – thấp nhất kể từ tháng 4/2022. Giá euro sáng nay lên đỉnh 15 tháng so với USD, với một euro đổi được 1,11 USD.
Yen cũng tăng giá 0,3% so với đôla Mỹ, lên 138 JPY một USD. Đây là mức mạnh nhất 5 tháng của nội tệ Nhật Bản. 5 phiên qua, yen đã tăng 4,8%. Thị trường hiện tập trung vào việc liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có sớm thay đổi chính sách kiểm soát lợi suất hay không.
Đôla New Zealand và Đôla Australia cũng mạnh lên. Dù mức tăng không lớn, nó cũng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào USD đang giảm. Giá nhân dân tệ quốc tế hôm qua lên đỉnh một tháng so với đôla Mỹ, tại 7,1 CNY đổi một USD.
USD yếu đi từ tối 12/7, sau số liệu cho thấy lạm phát tháng 6 của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này đã chậm lại tháng thứ 12 liên tiếp.
Tháng 6 năm ngoái, Mỹ lạm phát tới 9,1% – cao nhất kể từ năm 1981. Lạm phát cơ bản (không tính giá nhiên liệu và lương thực thường xuyên biến động) tăng 4,8% – chậm nhất kể từ cuối năm 2021.
“Chúng tôi và cả thị trường đang ngày càng nghi ngờ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi sau phiên họp cuối tháng này. USD yếu đi cho thấy thị trường đang ngày càng thoải mái với việc bán USD”, Steve Englander – Giám đốc nghiên cứu tiền tệ tại Standard Chartered kết luận.
Hà Thu (theo Reuters)