Hàng trăm năm trước, khi đến hồ Titicaca, người Uros xây hàng chục đảo nhân tạo để tự vệ trước người Inca, nhiều đảo trong đó hiện vẫn tồn tại.
Titicaca là hồ nước ngọt trên dãy Andes ở biên giới Bolivia và Peru. Đây là hồ lớn nhất ở Nam Mỹ. Với độ cao khoảng 3.810 m so với mực nước biển, Titicaca cũng là một trong những hồ cao nhất thế giới, IFL Science hôm 11/7 đưa tin.
Rải rác dọc theo góc phía tây của hồ, gần thành phố Puno, Peru, là hàng chục đảo nhân tạo, mỗi đảo có vài ngôi nhà tranh và những cấu trúc khác. Một số đảo chỉ rộng 30 m, số khác có kích thước lớn hơn.
Người xưa tạo ra đảo nổi bằng cách xếp chồng nhiều lớp vật liệu gồm rễ totora và sậy được khâu lại, theo BBC Earth. Cây totora là thành phần không thể thiếu với cuộc sống trên hồ. Các sợi thân rễ chắc chắn của chúng được dùng làm nhà, thuyền, mái, đệm, thậm chí dùng làm trà, thuốc cổ truyền và thực phẩm.
Loại đảo nổi kỳ lạ này ra đời trong thời kỳ tiền Coloumbus, khi đế chế Inca (tồn tại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 16) bắt đầu xâm chiếm các ngôi làng trên đất liền của người Uros. Họ di cư đến hồ Titicaca và xây dựng hàng loạt đảo nổi. Nếu người Inca kéo đến tấn công, họ có thể đẩy những đảo nhân tạo này ra giữa hồ và thoát nạn.
Mối đe dọa từ đế chế Inca đã qua từ lâu, nhưng truyền thống vẫn được duy trì. Ngày nay, ước tính có khoảng 1.300 người sống trên chuỗi đảo nhân tạo trên hồ Titicaca. Các ước tính về số lượng đảo không giống nhau, nhưng đa số cho rằng hiện có khoảng 60 – 120 đảo.
Duy trì lối sống trên đảo nhân tạo không phải là điều dễ dàng. Totora bền chắc và có giá trị cao, nhưng vật liệu hữu cơ này sẽ xuống cấp do tác động của tự nhiên theo thời gian, đồng nghĩa các đảo và nhà cửa trên đó luôn cần tu sửa. Tuy nhiên, lối sống truyền thống cũng được kết hợp với những công nghệ hiện đại. Nhiều đảo hiện trang bị thêm pin mặt trời để cung cấp điện cho đèn, radio và truyền hình vệ tinh.
Thu Thảo (Theo IFL Science)