Từ mùa hè năm 1999, ông Danh Nghe phối hợp chùa Cỏ Khía cũ vận động người dân trên địa bàn và các địa phương lân cận cho con em đến lớp học chữ Khmer. Ông Danh Nghe cho biết, khoảng cuối tháng 5 hàng năm, sau khi các trường học sắp kết thúc năm học, ông phối hợp chùa Cỏ Khía cũ kiểm tra lại phòng học, bàn ghế, chuẩn bị sách vở, xem lại bài giảng để chuẩn bị dạy chữ Khmer.
Đây cũng là thời điểm chuyển sang mùa mưa, vì vậy thời gian đầu việc dạy chữ Khmer gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, giao thông cản trở. Mặc dù vậy đã có rất nhiều trẻ em theo học, kể cả lúc mưa, gió và đó cũng là động lực giúp ông Danh Nghe dạy học hơn 23 năm qua.
Với ông Danh Nghe, được dạy chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình cho thế hệ trẻ là niềm vui trong mỗi dịp hè. “Tôi muốn truyền đạt cho các em biết về văn hóa của dân tộc mình để giữ gìn và phát triển hơn. Khi học và viết được chữ Khmer, lớn lên các em có thể sử dụng vào việc học tập, công tác, đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Các em có thể làm phiên dịch cho các công ty, nhà máy có sử dụng lao động là người Khmer; chỉ dẫn cho người dân nước bạn đến du lịch tại Việt Nam…”, ông Danh Nghe bộc bạch.
Ông Danh Nghe dạy chữ cho trẻ em đồng bào Khmer.
Lúc còn nhỏ, ông Danh Nghe được cha mẹ cho vào chùa Thứ Năm ở huyện An Biên (Kiên Giang) để tu và học chữ Khmer. Quá trình tu và học tập ở chùa Thứ Năm, bên cạnh sự chỉ bảo của các vị sư trong chùa, ông Danh Nghe còn tự học hỏi từ sách, báo tiếng Khmer. Nhờ vậy, ông thông thạo đọc và viết chữ Khmer, có thể dạy các phép tính bằng chữ Khmer từ lớp 1 đến lớp 5. Dù là thầy giáo không chuyên, nhưng hơn 23 năm qua, vào mỗi dịp hè, ông Danh Nghe lại cần mẫn dạy chữ Khmer cho hàng chục học sinh là con em đồng bào Khmer ở địa phương…
Chúng tôi đến chùa Cỏ Khía cũ vào một buổi sáng sớm. Lớp học bắt đầu lúc 8 giờ với hơn 20 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Phòng học nhỏ, đơn sơ, vang lên tiếng đọc bài của các em. Dù bàn ghế, tập sách cũ nhưng chứa đựng những hàng chữ mới thẳng hàng, nắn nót. Theo ông Danh Nghe, trước đây, vào mỗi dịp hè có gần 50 em đến chùa học chữ Khmer. Sau này, nhiều em theo cha mẹ đi làm ăn xa nên không còn theo học.
Tuy chỉ là những lớp ngắn hạn trong thời điểm nghỉ hè hàng năm nhưng lớp dạy và học chữ Khmer luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Ông Danh Nghe cho biết: “Thời gian tới, lớp học sẽ tăng cường dạy tất cả các ngày, cả thứ bảy, chủ nhật, bởi thời gian nghỉ hè 3 tháng là quá ngắn. Tôi cố gắng vận động các em tới lớp, trực tiếp tiếp thu kiến thức, nắn nót cho các em từng chữ viết”.
Ông Danh Nghe dạy chữ cho trẻ em đồng bào Khmer.
Qua 5 dịp hè học chữ Khmer với thầy Danh Nghe, em Danh Phúc Thọ, học sinh lớp 6, Trường Trung học cơ sở xã Thới Quản, huyện Gò Quao (Kiên Giang) chia sẻ: “Thầy rất thương học trò, nhiệt tình, tận tâm, dạy dễ hiểu nên các bạn rất quý thầy và chú tâm học tập thật tốt. Trước đây, em thường xuyên nghe cha mẹ hay người dân trong xóm nói chuyện với nhau bằng tiếng Khmer, em hiểu nhưng không biết viết. Giờ em có thể nói, đọc và viết được chữ của dân tộc mình. Em thấy rất vui và tự hào”.
Chùa Cỏ Khía cũ không chỉ là nơi học chữ Khmer mà còn là nơi vui chơi, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc vào mỗi dịp hè. Em Tạ Minh Tú – học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Thới Quản 1 cho biết đã học thầy Danh Nghe được 3 mùa hè. Đến chùa, được thầy dạy chữ, gặp gỡ bạn bè để vui chơi, em rất thích.
Đại đức Danh Ên – trụ trì chùa Cỏ Khía cũ cho biết: “Hiện nay, các trường học trên địa bàn không có chương trình dạy chữ Khmer. Đồng bào, phật tử Khmer ở đây rất quý ông Danh Nghe, bởi chính ông đã rèn luyện cho nhiều thế hệ con em đồng bào biết đọc và viết chữ Khmer, giữ bản sắc của dân tộc mình”.
Ông Danh Nghe tâm sự, hàng ngày, nhìn thấy con em biết đọc, biết viết chữ Khmer là ông rất vui và hạnh phúc. Ông mong thời gian tới, học sinh của ông có được tập, viết mới vào mỗi dịp học hè; lớp học được hỗ trợ dụng cụ, thiết bị dạy học để học sinh dễ dàng tiếp thu trong quá trình học tập. Đặc biệt, có thêm nhiều sách dạy chữ Khmer để các em có thể mượn về nhà học nếu không đến lớp được…
Bài và ảnh: QUỐC TRINH