Trung Quốc đang đón nhận làn sóng bùng nổ du lịch nội địa khi kỳ nghỉ Hè bắt đầu với cảnh tượng các sân bay “chật như nêm cối”. Đây là điểm sáng hiếm hoi tô điểm cho bức tranh có phần kém tươi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hậu Covid-19.
Trung Quốc đang đón nhận làn sóng bùng nổ du lịch nội địa khi kỳ nghỉ Hè bắt đầu với cảnh tượng các sân bay chật cứng người. (Nguồn: China Daily) |
Theo dữ liệu từ nhiều nền tảng theo dõi chuyến bay, lưu lượng hành khách nội địa đã vượt qua con số của thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 cuối năm 2019. Nhiều bậc phụ huynh lũ lượt đưa con em đi tận hưởng mùa Hè đầu tiên sau 3 năm hạn chế đi lại và phong tỏa để phòng dịch.
Dữ liệu của FlightAI, một nền tảng chuyên sâu về thị trường liên kết với công ty du lịch trực tuyến Trip.com cho thấy, trong 5 ngày đầu tiên của tháng 7, gần 9 triệu người đã bay đi và đến các sân bay Trung Quốc, tăng khoảng 14% so với thời điểm trước đại dịch.
Ông He Jianmin, Giáo sư ngành du lịch tại Đại học Tài chính và kinh tế Thượng Hải nhận định: “Trung Quốc đang chứng kiến ‘hiệu ứng son môi’ trong ngành du lịch. Đó là khi người tiêu dùng không đủ tiền để mua các sản phẩm giá trị lớn như xe hơi hạng sang, biệt thự, bất động sản… trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái thì sẽ dồn tiền mua những sản phẩm với giá trị vừa phải hơn như son môi, mỹ phẩm hay các tour du lịch cao cấp…”.
Các số liệu vừa được công bố trong những tháng gần đây đã làm dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch. Thách thức chủ yếu đến từ sự sụt giảm đầu tư trong và ngoài nước, xuất khẩu giảm sút, trong khi thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm.
Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, ngành du lịch nội địa đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 8-10% vào thời điểm trước năm 2019, với khoảng 6 tỷ chuyến đi được ghi nhận.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cho biết, Trung Quốc là một thị trường khổng lồ của ngành hàng không toàn cầu, chiếm 9% tổng nhu cầu hành khách hàng không quốc tế trước đại dịch.
Tuy nhiên, những biến động của tình hình thế giới như cuộc xung đột Nga-Ukraine, suy thoái kinh tế toàn cầu… là yếu tố khiến nhiều du khách Trung Quốc cân nhắc khi đi du lịch nước ngoài. Do đó, theo thống kê của ứng dụng theo dõi chuyến bay Hangban Guanjia, số chuyến bay quốc tế được khai thác hằng tuần chỉ bằng 46% so với mức trước đại dịch.
Một chuyên gia trong ngành cho hay: “Các hãng lữ hành trong nước cần thêm thời gian để kết nối trở lại với các đối tác nước ngoài, nhiều đối tác có thể đã dừng hoạt động sau ảnh hưởng của đại dịch. Toàn bộ ngành du lịch Trung Quốc cần phải được tái cấu trúc”.