Tiện dụng, bền chắc, giá thành thấp là những ưu điểm khiến cho túi nilon trở thành vật dụng được người dân sử dụng phổ biến mọi lúc, mọi nơi, mặc dù đã có những cảnh báo về tác hại lớn tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Sử dụng túi nilon để đựng thực phẩm tại một cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ ở phố Thành Yên, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa).
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, túi nilon chôn vùi dưới đất phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy hết. Đặc biệt, túi nilon chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonnic, mê tan có hại cho sức khỏe. Nếu sử dụng túi nilon đựng đồ ăn nóng (nhiệt độ từ 70 – 80 độ C), những chất độc hại trong túi sẽ hòa lẫn vào thức ăn. Nguy hiểm hơn nếu chứa thực phẩm đã được chế biến trong những túi nilon nhuộm màu, các kim loại nặng như chì, cadimi sẽ gây hại cho bộ não, là nguyên nhân chính gây bệnh ung thư… Và với đặc tính bền vững trong tự nhiên, túi nilon cũng được xác định là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội, trở thành thách thức lớn đối với môi trường.
Nhận thức được tác hại của túi nilon đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, những năm qua Việt Nam đã và đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Tuy nhiên, sự tiện dụng của túi nilon tạo nên thói quen khó bỏ của người tiêu dùng trong việc sử dụng.
Qua quan sát tại một số chợ trên địa bàn TP Thanh Hóa và chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều bà nội trợ vẫn có thói quen dùng túi nilon để đựng hàng, còn những người bán hàng đều chuẩn bị sẵn túi nilon để đáp ứng nhu cầu của khách. Chị Đoàn Lê Hương – người mua hàng tại chợ Đông Thành (TP Thanh Hóa), thừa nhận: “Dù biết túi nilon có thể gây ô nhiễm môi trường, nhưng tới chợ mua bó rau hay con cá người bán hàng đều đưa túi nilon cho đựng. Bản thân tôi cũng thấy như thế rất tiện lợi, mỗi loại thực phẩm đều được đựng túi riêng, hạn chế được mùi, lại dễ dàng treo, móc trên xe máy”. Chị Lê Thị Hà ở xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) thì chia sẻ: “Việc sử dụng túi nilon đựng hàng mỗi khi đi chợ đã trở thành thói quen của tôi dù vẫn biết việc làm này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bản thân, gia đình và môi trường sống”.
Theo khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng hơn 200 túi nilon các loại/tháng. Tại Thanh Hóa, qua khảo sát của ngành chức năng cho thấy, lượng phát sinh rác thải nhựa, trong đó có túi nilon năm 2022 ở các địa phương trên địa bàn tỉnh khá lớn, trong đó cao nhất là TP Thanh Hóa với tổng lượng phát thải là 54,27 tấn/ngày, tương đương gần 19.809 tấn/năm (chiếm 15,49% toàn tỉnh). TP Sầm Sơn lượng phát thải xếp thứ hai với tổng lượng rác thải nhựa 20,44 tấn/ngày, tương đương gần 7.461 tấn/năm…
Khối lượng chất thải nhựa và túi nilon được sử dụng và thải bỏ lớn như vậy, song việc quản lý lượng chất thải này vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn. Để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon, những năm gần đây các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền đến người dân về những tác hại của thói quen sử dụng túi nilon. Phát động phong trào hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt. Đồng thời, đưa ra những giải pháp áp dụng cụ thể trong thực tiễn như phân loại rác túi nilon; kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp quản lý, khai thác chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh cùng chung tay hành động giảm thiểu sử dụng và tiến tới không sử dụng các túi nilon, túi nhựa đựng hàng hóa cho khách hàng. Hỗ trợ hội phụ nữ thành lập câu lạc bộ, mô hình hạn chế sử dụng túi nilon như mô hình “Chi hội phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, “Thu gom phế liệu, đổi lấy màu xanh”; dùng làn nhựa đi chợ… tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Túi nilon vẫn được ưa dùng tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại đến các khu chợ buôn bán nhỏ lẻ.
Tác hại của túi nilon trong đời sống là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, chính vì vậy chủ trương hạn chế dần việc sử dụng sản phẩm không thân thiện môi trường trong đó có túi nilon là việc làm cấp thiết hiện nay. Để chủ trương này đi vào thực tiễn, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích hỗ trợ sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường tại các địa phương, xây dựng hệ thống thu gom tái chế túi nilon, khuyến khích các nhà phân phối, nhà bán lẻ tham gia chương trình giảm phân phát túi nilon, tăng thuế đối với các nhà sản xuất túi nilon, có chế tài xử phạt nghiêm những trường hợp vứt túi nilon bừa bãi… Và điều quan trọng hơn cả vẫn là ý thức của mỗi người dân trong việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon. Mỗi người dân phải thể hiện mình là người tiêu dùng thông thái để nhận biết được tác hại của túi nilon cũng như các sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm bảo vệ chính mình, người thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Bài và ảnh: Phong Sắc