Được cán bộ xã Phì Nhừ giới thiệu, chúng tôi đến 2 bản Trống Giông A, B nơi có 100% bà con đồng bào dân tộc Mông sinh sống, để hiểu rõ hơn việc giữ rừng của người dân nơi đây. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng những diện tích rừng của 2 bản được giao quản lý luôn giữ màu xanh tốt. Trống Giông A, B cũng là những bản có diện tích rừng được bảo vệ tốt của huyện Điện Biên Đông.
Tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng ở bản Trống Giông B.
Vốn được tách ra từ bản Trống Giông, hiện nay 2 bản Trống Giông A, B có tổng số 65 hộ dân và được giao quản lý chung gần 225ha rừng. Đến 2 bản Trống Giông A, B chúng tôi được nghe những người cao tuổi trong bản kể lại, nhiều năm trước, cũng như nhiều đồng bào dân tộc khác, người Mông ở bản vẫn giữ tập quán du canh du cư, vào rừng chặt cây để làm nương. Ngoài ra, có không ít đối tượng ngoài địa phương đến làm ăn, dụ dỗ, móc nối nên một số người vì ham vật chất mà khai thác rừng và săn bắt động vật hoang dã trái phép. Hậu quả, không ít vùng rừng bị xâm hại, tàn phá; muông thú bị bẫy bắt, giết hại ngày càng cạn kiệt… khiến công tác bảo vệ rừng ngày càng trở nên khó khăn. Nhưng từ khi được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhận thức của bà con bắt đầu thay đổi. Cùng với đó, các cán bộ trên huyện và xã tích cực về bản tuyên truyền, vận động các biện pháp bảo vệ rừng, không chặt phá rừng bừa bãi, ý thức bảo vệ rừng của người dân trong bản lại càng được nâng cao. Bảo vệ rừng tốt, người dân còn được lợi rất nhiều – từ lâm sản ngoài gỗ, như: măng tre, nấm, rau rừng đến nguồn nước sản xuất nông nghiệp.
Ông Hạ A Ly, Trưởng bản Trống Giông B cho biết: Để bảo vệ tốt những cánh rừng, bà con trong bản thống nhất đưa nội dung bảo vệ rừng vào hương ước; hằng năm đều tổ chức cho các hộ ký cam kết bảo vệ rừng; bản cũng đã thành lập Tổ Quản lý bảo vệ rừng với 15 thành viên. Các thành viên trong Tổ được chia làm 5 nhóm luân phiên nhau phối hợp với các thành viên của Tổ Quản lý bảo vệ rừng bản Trống Giông A và kiểm lâm địa bàn tuần tra, giám sát diện tích rừng, phát dọn đường băng cản lửa, hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm các quy định khi đốt nương… Nhờ vậy, nhiều năm nay trong bản đã không còn tình trạng chặt phá rừng làm nương. Bình quân hằng năm cộng đồng 2 bản Trống Giông A, B được chi trả gần 90 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đây là nguồn động viên, khích lệ bà con nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng.
Đến bản Trống Giông A, chúng tôi cũng thấy được tinh thần đồng lòng nhất trí bảo vệ rừng của người dân nơi đây. Ông Thào A Sểnh, người dân bản Trống Giông A chia sẻ: “Tôi thấy rằng khi rừng bị phá thì mùa mưa rất dễ xảy ra lũ ống, lũ quét gây hủy hoại nhà cửa, mùa màng. Chính vì thế, bà con chúng tôi đã bảo nhau phải cùng bảo vệ rừng và ngăn chặn người khác phá rừng, quyết tâm không để tình trạng rừng bị phá như thời gian trước nữa. Giờ đây, chỉ cần có nhóm đối tượng lạ vào địa bàn là phải thông báo cho chính quyền sở tại. Nếu ai cầm cưa máy vào rừng hay vác gỗ đi ra từ rừng thì sẽ bị bà con giữ lại. Còn nếu nghe thấy tiếng máy cưa phát ra từ rừng, bà con sẽ tập trung nhau để cả bản cùng ngăn chặn…
Người dân 2 bản Trống Giông A, B phối hợp với kiểm lâm địa bàn đi tuần tra rừng.
Được biết, ngoài công tác tuyên truyền, vận động, việc thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cũng là một trong những yếu tố làm cho các thành viên trong cộng đồng 2 bản Trống Giông A, B thêm gắn kết, tự giác cùng nhau tham gia quản lý, bảo vệ tốt rừng. Theo đó, từ số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng mà cộng đồng 2 bản được nhận, ngoài chia đều cho các hộ dân trong bản, sẽ trích lại một phần để phục vụ cho công tác bảo vệ và PCCCR, một phần để mua sắm cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động chung của bản, còn lại để hỗ trợ lực lượng tham gia tuần tra bảo vệ rừng.
Nhờ thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng kịp thời, đúng đối tượng, đã giúp cho trách nhiệm của người dân ở 2 bản Trống Giông A, B về công tác bảo vệ và phát triển rừng ngày một nâng cao; nhân dân tích cực tham gia tuần tra rừng. Sự trân trọng, giữ gìn rừng bằng cả tấm lòng của người dân 2 bản Trống Giông A, B đã làm những cánh rừng nơi đây luôn xanh ngút ngàn theo năm tháng. Để rồi, bà con được rừng che chở, đời sống từng bước được nâng cao nhờ nguồn lợi mà rừng mang lại…