Đại diện phái đoàn Pháp, bà Valérie Verdier bảy tỏ thông điệp của chuyến công tác lần này là phối hợp xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Bộ TN&MT với các đơn vị, cơ quan nghiên cứu, đào tạo phát triển của Pháp, trong khuôn khổ các chương trình nghị sự giữa hai quốc gia.
Bà Valérie nhấn mạnh, Việt Nam có vị thế lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về các vấn đề tài nguyên, môi trường. Cộng hòa Pháp cũng là quốc gia có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này. Thời gian qua, nhiều chuyên gia của Viện nghiên cứu phát triển đã đến Việt Nam nghiên cứu lĩnh vực môi trường. Vì thế, bà Valerie một lần nữa khẳng định thiện chí và sự nỗ lực của Viện nghiên cứu phát triển Pháp trong việc phối hợp với Bộ TN&MT.
Chia sẻ về Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia Pháp, ông Bruno cho biết, với lịch sử hơn 400 năm hình thành phát triển, đây là 1 trong 2 bảo tàng lâu đời nhất trên thế giới, có sự liên kết cùng nhiều đơn vị nghiên cứu. Các chuyên gia của Bảo tàng cũng tham gia tích cực vào các hoạt động hỗ trợ chính sách liên quan đến tài nguyên và môi trường, kiểm kê đa dạng sinh thái tại Pháp. Dự kiến, Bảo tàng sẽ phát triển hợp tác tại các quốc gia khác và mong muốn sẽ có nhiều hoạt động tại Việt Nam.
Cũng trong buổi làm việc, các nhà nghiên cứu khoa học của phái đoàn Pháp bày tỏ mong muốn được tham gia hợp tác lâu dài với Bộ TN&MT, nhất là trong triển khai quan hệ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) và các cam kết toàn cầu về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) mà Việt Nam đã tham gia. Chính phủ Pháp đã cam kết sẽ hỗ trợ 50 triệu đô la Mỹ cho các nước đang phát triển tham gia JETP, hướng tới các giải pháp năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí nhà kính.
Về ứng phó BĐKH, Giám đốc quốc gia Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) Herve Conan chia sẻ, AFD sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để triển khai nhiều dự án nghiên cứu, hợp tác nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH đến Việt Nam, đánh giá kỹ càng hơn các hiện tượng thời tiết cực đoan. AFD cũng sẽ triển khai giai đoạn 2 dự án GEMMES Việt Nam, tập trung vào chuyển đổi năng lượng công bằng và tác động xã hội của quá trình này.
Đáp lời phái đoàn Pháp, Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao tầm nhìn của các nhà khoa học Pháp đã đặt những bước đi đầu tiên về khoa học thiên nhiên với nhiều hệ thống bảo tàng. Bộ TN&MT được Chính phủ phân công phụ trách 9 lĩnh vực, và có thể sẽ có nhiều hoạt động hợp tác với các cơ quan nghiên cứu của Pháp.
Việt Nam là một trong 16 quốc gia sỡ hữu đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu và cũng là thành viên chính thức của Công ước Đa dạng sinh học (CBD). Thời gian qua, Việt Nam luôn ý thức rất rõ ràng về trách nhiệm của một quốc gia thành viên và đã rất nỗ lực thực hiện các cam kết chung để đóng góp và mục tiêu toàn cầu là bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học.
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đã chia sẻ những góc nhìn về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ giữa hệ sinh thái của Việt Nam trong mối tương quan toàn cầu; các yếu tố về lịch sử, văn hóa cần phải xem xét khi nghiên cứu, xây dựng các đề tài, công trình về tài nguyên môi trường. Những tác động từ biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế của con người đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ đa dạng sinh học, đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết. Thứ trưởng kỳ vọng mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp sẽ ngày càng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và thực hiện các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hâu.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Valérie bày tỏ, buổi làm việc là dịp để các nhà khoa học Pháp có thêm những góc nhìn mới, suy nghĩ mới về hoạt động hợp tác tại Việt Nam. Bà Valerie bày tỏ mong muốn sẽ cùng Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng nỗ lực đào tạo giới trẻ Pháp và Việt Nam có nhiều kiến thức vững chắc hơm, đóng góp vào các lĩnh vực nghiên cứu tài nguyên môi trường.