ChatGPT bị kiện
Vừa qua, hai tác giả Mỹ đã kiện OpenAI tại tòa án liên bang San Francisco, khi cho rằng công ty này đã sử dụng các tác phẩm của họ để “huấn luyện” hệ thống trí tuệ nhân tạo phổ biến ChatGPT.
Các nhà văn Paul Tremblay và Mona Awad ở Massachusetts cho biết, ChatGPT đã khai thác dữ liệu được sao chép từ hàng nghìn cuốn sách mà không được phép, vi phạm bản quyền của tác giả. Đơn kiện của họ lập luận rằng, ChatGPT đã tạo ra “những bản tóm tắt rất chính xác” về tác phẩm của họ mà không có sự cho phép của tác giả và đó là hành vi vi phạm bản quyền.
Tờ The Guardian dẫn lời Andres Guadamuz – người nghiên cứu mảng luật sở hữu trí tuệ tại Đại học Sussex cho biết, đây là vụ kiện đầu tiên liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với ChatGPT. Theo đó, ông Guadamuz cho rằng, vụ kiện này sẽ làm bộc lộ “những ranh giới pháp lý” không rõ ràng trong quá trình sử dụng các ứng dụng AI sáng tạo hiện nay.
Trong lĩnh vực báo chí, đã có hàng loạt câu hỏi cả về cơ hội cũng như thách thức, và cả sự giận dữ cũng như những tác động của trí tuệ nhân tạo đối với hoạt động báo chí nói chung và với các vị trí việc làm của các nhà báo.
ChatGPT có thể tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng, sinh ra bất kỳ cái gì từ các bài luận cho đến đơn xin việc, cho đến thơ và cả các câu chuyện giả tưởng. ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn, được huấn luyện thông qua việc tải lên hệ thống hàng tỷ từ ngữ trong cuộc sống mỗi ngày trên mạng Internet. Từ đó, nó phỏng đoán các câu và từ ngữ theo các chuỗi nhất định.
Tuy nhiên, sự chính xác của các câu trả lời là điều bị đặt dấu hỏi. Các học giả ở Australia đã phát hiện những thí dụ cho thấy hệ thống này ngụy tạo các nguồn tham khảo từ các website rồi trích dẫn các câu nói giả mạo. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí cũng gây ra nhiều tranh cãi.
Website thông tin công nghệ CNET sử dụng AI để sinh ra các bài viết rồi sau đó các biên tập viên sẽ kiểm tra lỗi trước khi xuất bản. Trang này thừa nhận rằng chương trình có nhiều hạn chế, sau khi một bài viết trên trang tin tức công nghệ Futurism tiết lộ, hơn một nửa tin bài tạo ra bằng các công cụ AI đã phải qua biên tập để sửa lỗi. Có lần, CNET đã buộc phải có những đính chính đối với một bài viết có quá nhiều lỗi đơn giản.
Nhưng việc AI có thể tạo ra thông tin sai lệch không phải là mối lo ngại duy nhất. Sẽ còn rất nhiều điều phải tính tới về tính pháp lý và vấn đề đạo đức, bao gồm cả quyền sở hữu tài sản trí tuệ (IP), việc thẩm định nội dung, và kể cả nguy cơ phá vỡ những mô hình tài chính hiện tại của các tòa soạn.
Ai sở hữu tài sản trí tuệ và các quyền phát hành nội dung?
Theo ông Lê Quốc Minh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nếu các tòa soạn bắt đầu tích hợp AI để sản xuất nội dung thì có một câu hỏi quan trọng là: Ai sở hữu tài sản trí tuệ và các quyền phát hành nội dung? Cơ quan báo chí ra lệnh cho nền tảng AI hay là chính nền tảng AI đó?
Ông Lê Quốc Minh dẫn chứng, không như ở Mỹ, luật của Anh cho phép bảo hộ quyền đối với các tác phẩm do máy tính tạo ra, mặc dù chỉ cá nhân hoặc tổ chức mới có quyền “sở hữu” tài sản trí tuệ, chứ không bao giờ là AI. Nói một cách cụ thể, điều này có nghĩa là nếu một hệ thống AI có đóng góp tối thiểu ngoài những câu lệnh cơ bản của người dùng, và quá trình ra quyết định tự động hóa đã thúc đẩy tiến trình sáng tạo, thì người tạo ra nền tảng có thể được coi là “tác giả” và là người sở hữu sản phẩm trí tuệ.
Còn nếu cần nhiều dữ liệu đầu vào qua việc tải các tài liệu lên hệ thống, và AI chỉ là công cụ hỗ trợ, thì sở hữu trí tuệ về sản phẩm đầu ra có thể thuộc về người dùng. Trên thực tế, nếu các nhà báo sử dụng AI thì cần phải kiểm tra kỹ điều khoản dịch vụ của các nền tảng để đánh giá thận trọng các quy định về sở hữu trí tuệ. Một số nền tảng “trao” quyền sở hữu trí tuệ cho người dùng trong khi một số nền tảng khác có thể giữ quyền này và cấp nó theo một “giấy phép” (có thể theo những quy định hạn chế cho việc sử dụng của các tòa soạn).
“Dù cho bản quyền sở hữu trí tuệ thuộc về ai thì các tòa soạn cũng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm về mọi nội dung do AI khởi tạo mà họ xuất bản – gồm cả khả năng nội dung bị coi là bôi nhọ hoặc sai lệch”, ông Minh nói.
Tổng biên tập Báo Nhân Dân cho biết thêm, cho tới nay nhiều công cụ AI không “xuất bản” các câu trả lời cho bất kỳ ai ngoài chính người sử dụng, bất kỳ ai sử dụng các công nghệ này đều phải chịu trách nhiệm về nội dung mà họ đăng tải. Nguy cơ lớn nhất đối với các tòa soạn xuất bản các tác phẩm do AI khởi tạo là việc tình cờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba. Các nhà báo không thể biết hình ảnh hay đoạn văn bản nào được sử dụng để huấn luyện AI, hoặc được lôi về để tạo ra nội dung theo yêu cầu.
“Các tòa soạn phải chấp nhận một thực tế rằng những nội dung “có vẻ gốc” do AI tạo ra có thể chịu ảnh hưởng rất nhiều – hoặc bị sao chép trực tiếp – từ các nguồn của bên thứ ba mà không được phép”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Ông Minh cũng đưa ra lưu ý rằng điều khoản dịch vụ của các nền tảng AI không hề đưa ra bảo đảm rằng kết quả sẽ không vi phạm bản quyền, và như vậy thì các tòa soạn sẽ chẳng có cơ sở pháp lý nào nếu bị tác giả kiện. Đơn cử, hãng lưu trữ ảnh Getty Images đã bắt đầu tiến trình kiện Stability AI – công ty mẹ làm ra công cụ tạo hình ảnh Stable Diffusion với lý do “sao chép và xử lý trái phép hàng triệu tấm ảnh được bảo vệ bản quyền thuộc sở hữu hoặc được đại diện bởi Getty Images.
“Ngay cả khi Stability AI tránh được vụ kiện bản quyền thì họ vẫn bị coi là vi phạm điều khoản dịch vụ của Getty Images, trong đó ghi rõ việc cấm “mọi hoạt động khai thác dữ liệu, dùng robot hoặc các phương pháp thu thập dữ liệu tương tự. Những cơ quan báo chí bị coi là sử dụng AI can thiệp vào nội dung của Getty Images mà không được phép thì cũng có thể bị kiện như vậy”, ông Minh cho hay.
Trong một diễn biến tích cực, mới đây trang tin công nghệ Wired là cơ quan báo chí đầu tiên công bố quy định chính thức về AI, trong đó nêu rõ cách thức họ dự định sử dụng công nghệ này.
Quy định do Tổng biên tập Gideon Lichfield đăng tải đầu tháng 3 vừa qua đưa ra một loạt cam kết về những điều mà tòa soạn sẽ không thực hiện, chẳng hạn họ sẽ không xuất bản những nội dung do AI viết hoặc biên tập, không sử dụng hình ảnh hoặc video do AI tạo ra, mà chỉ sử dụng AI để lấy ý tưởng cho các bài viết, hoặc để gợi ý tiêu đề hấp dẫn, hoặc nội dung đăng tải trên mạng xã hội cho hiệu quả. Đây có thể coi là một biện pháp tích cực, cần thiết trong bối cảnh AI đang gây ra rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề pháp lý và đạo đức trong hoạt động báo chí hiện nay.
Hoà Giang