UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm với định hướng tổ chức các sự kiện thường niên mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa của địa phương; kết hợp xây dựng các sản phẩm du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí tại TP. Nha Trang, khu Bãi Dài (huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh)… để tạo sức hút cho du lịch. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế ban đêm, tỉnh cần sớm được “cởi trói” về khung thời gian tổ chức các hoạt động kinh doanh mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí.
Cần đẩy mạnh các dịch vụ du lịch, giải trí về đêm
Khách du lịch mua sắm tại chợ đêm Nha Trang. |
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, du lịch Khánh Hòa chỉ mạnh về dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng; sản phẩm du lịch chủ yếu khai thác lợi thế sẵn có về cảnh quan thiên nhiên, thiếu đầu tư chiều sâu, thiếu các điểm vui chơi, giải trí về đêm. Do đó, khách du lịch đến Khánh Hòa có mức chi tiêu chưa cao.
Trong Đề án phát triển kinh tế ban đêm vừa được UBND tỉnh phê duyệt, tỉnh định hướng tập trung xây dựng và phát triển kinh tế ban đêm trong 4 lĩnh vực, gồm: Hoạt động văn hóa – vui chơi giải trí; dịch vụ ăn uống; mua sắm; các điểm tham quan du lịch về đêm. Cụ thể, tỉnh định hướng sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí về đêm tại khu vực bãi biển Nha Trang, khu vực Bãi Dài, khu Dốc Lết (thị xã Ninh Hòa); tổ chức các tuyến phố đi bộ và chợ đêm, các khu giải trí, ẩm thực, mua sắm, nghệ thuật đường phố tại Nha Trang. Đồng thời, có các giải pháp chiếu sáng mỹ thuật ở cầu Trần Phú, cầu Xóm Bóng kết hợp với Tháp Bà Ponagar, Nhà thờ Chánh tòa, công viên bờ biển Nha Trang để tạo sức hút với du khách; tổ chức tour du ngoạn biển đêm, tour ẩm thực đêm Nha Trang, tour văn hóa lịch sử về đêm… Việc triển khai đề án sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2023 đến 2025, tỉnh sẽ khảo sát, lựa chọn tổ chức khai thác các khu vực, dịch vụ sẵn có, như: Dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm và tham quan du lịch đêm. Giai đoạn 2 dự kiến từ năm 2026 đến 2030, địa phương hoàn thành định hướng mô hình phát triển, tổ chức kêu gọi, triển khai dự án để khai thác hiệu quả kinh tế đêm.
Trong quá trình triển khai, tỉnh sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế đêm thuộc thẩm quyền địa phương; xây dựng mô hình quản lý kinh tế đêm xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện với việc thành lập Ban chỉ đạo các cấp về phát triển kinh tế đêm, phân rõ trách nhiệm và quyền hạn các cấp; tăng cường xúc tiến, quảng bá và liên kết để đẩy mạnh khai thác kinh tế ban đêm. Tỉnh không khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế đêm một cách đại trà mà tùy theo tính chất, khu vực của từng hoạt động, dịch vụ sẽ được xác định khung thời gian hoạt động cụ thể theo đề xuất của các sở chuyên ngành và các địa phương.
Góp phần phát triển du lịch
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Giám đốc Sở Du lịch, sau dịch Covid-19, du lịch tỉnh có sự phục hồi mạnh mẽ, lượng khách trong nước và quốc tế đến Khánh Hòa ngày càng đông. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, du lịch tỉnh không chỉ cần tăng về lượng mà còn phải tăng về chất. Khi Đề án phát triển kinh tế ban đêm được định hình, Nha Trang – Khánh Hòa sẽ có nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm để thỏa mãn nhu cầu ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí “thâu đêm suốt sáng” của du khách. Khi ấy, đóng góp của ngành Du lịch vào kinh tế của tỉnh sẽ lớn hơn hiện nay để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đồng quan điểm, bà Lê Thị Hồng Minh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Khánh Hòa cho rằng, việc UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm hứa hẹn sẽ tạo ra cú hích cho du lịch Khánh Hòa, sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới để khách tiêu tiền.
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ băn khoăn khi Khánh Hòa không thuộc diện được thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ kinh tế ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau theo Đề án kinh tế ban đêm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020. “Một trung tâm du lịch lớn như Nha Trang – Khánh Hòa mà gần như tất cả điểm mua sắm, vui chơi giải trí đều phải đóng cửa trước 24 giờ là điều rất bất cập, đó là sự lãng phí lớn về cơ hội để tăng nguồn thu từ khách du lịch. UBND tỉnh cần kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đưa Khánh Hòa vào nhóm các địa phương được thí điểm về phát triển kinh tế ban đêm…”, ông Lê Xuân Thơm – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng bày tỏ.
Đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế và 4,3 triệu lượt khách nội địa; phát huy hiệu quả số lượng phòng lưu trú hiện có (54.000 phòng); tạo ra 268.800 việc làm, trong đó có 89.600 lao động trực tiếp. Đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ đón 7 triệu lượt khách quốc tế và 6,8 triệu lượt khách nội địa; có 70.000 phòng lưu trú, trong đó có 30-40% đạt chuẩn 3-5 sao; tạo ra 357.000 việc làm, trong đó có 119.000 lao động trực tiếp.
XUÂN THÀNH