Một tuyên bố chung – được đưa ra hôm 11/7 tại Hội nghị Thượng đỉnh thường niên lần thứ 74 của NATO ở thủ đô Vilnius của Litva – cho biết, Kiev sẽ chỉ được mời tham gia “khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”, nhưng Ukraine sẽ được phép bỏ qua Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP) thường được yêu cầu đối với bất kỳ ứng cử viên nào muốn được kết nạp.
“Chúng tôi tái khẳng định cam kết mà chúng tôi đã đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Bucharest (Romania) năm 2008 rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO, và hôm nay chúng tôi nhận ra rằng con đường của Ukraine hướng tới hội nhập châu Âu-Đại Tây Dương hoàn toàn đã vượt xa nhu cầu về Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP)”, tuyên bố chung cho biết.
Ukraine đã trở nên “ngày càng có khả năng tương tác và hội nhập về mặt chính trị với khối do Mỹ lãnh đạo”, tuyên bố cho biết, đồng thời cũng vạch ra sự cần thiết phải có “những cải cách bổ sung về lĩnh vực an ninh và dân chủ” trong nước.
“Liên minh sẽ hỗ trợ Ukraine thực hiện những cải cách này trên con đường hướng tới tư cách thành viên trong tương lai. Chúng tôi sẽ sẵn sàng gửi lời mời Ukraine tham gia liên minh khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”, tuyên bố kết luận.
Thông điệp thẳng thừng
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã giải thích thêm tại một cuộc họp báo hôm 11/7, nói rằng khối này trước tiên phải đảm bảo rằng Ukraine đạt được chiến thắng trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. Ông cảnh báo, nếu Kiev không thành công, tư cách thành viên NATO của nước này sẽ không còn nữa.
Cam kết mới nhất kể trên của NATO không đáp ứng được lời kêu gọi của các quan chức hàng đầu Ukraine, những người đã nhiều lần thúc giục liên minh quân sự chấp nhận nước này “ngay lập tức” hoặc ít nhất là đưa ra một “lời mời chính thức” cho nước này tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Litva.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dường như đã “nổi đóa” khi thực hiện một nỗ lực cuối cùng để gây ảnh hưởng đến tuyên bố chung của khối vài giờ trước khi nó được công bố.
Trên Twitter, nhà lãnh đạo Ukraine đã mạnh mẽ đả kích các nhà lãnh đạo NATO tập trung tại Vilnius hôm 11/7, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Bây giờ, trên đường đến Vilnius, chúng tôi đã nhận được tín hiệu rằng một số từ ngữ nhất định đang được thảo luận mà không có Ukraine”, ông Zelensky viết trên Twitter. “Và tôi muốn nhấn mạnh rằng từ ngữ này nói về lời mời trở thành thành viên NATO, không phải về tư cách thành viên của Ukraine. Thật vô lý và chưa từng có khi khung thời gian không được ấn định cho lời mời cũng như tư cách thành viên của Ukraine”.
Ông Zelensky tiếp tục tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo NATO không nghiêm túc trong việc mời Ukraine tham gia liên minh, và phàn nàn rằng cách tiếp cận của họ cho thấy thay vào đó, họ muốn giữ tư cách thành viên này như một “con bài thương lượng” cho các cuộc đàm phán cuối cùng với Nga.
“Sự không chắc chắn là điểm yếu”, Tổng thống Ukraine viết khi chuẩn bị cùng các đồng minh tham dự các cuộc họp ở Vilnius. “Và tôi sẽ thảo luận cởi mở về điều này tại Hội nghị Thượng đỉnh”.
Thông điệp thẳng thừng gồm 170 từ của ông Zelensky đã gây ra làn sóng chấn động khắp Hội nghị Thượng đỉnh, nơi ông Biden hy vọng sẽ dẫn đầu thể hiện sự đoàn kết chống lại Nga và nêu bật khả năng tập hợp các đối tác toàn cầu của ông – một thành phần quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử của nhà lãnh đạo Mỹ.
“Người ra quyết định chính”
Trong khi ông Zelensky không đề cập đến ông Biden trong bài đăng trên Twitter của mình, nhà lãnh đạo Ukraine đã gọi Tổng thống Mỹ là “người ra quyết định chính” của NATO và đang hướng lời kêu gọi trở thành thành viên NATO của ông tới Nhà Trắng.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ đã do dự hơn nhiều so với các lãnh đạo NATO khác về nỗ lực của Ukraine, nói rằng ngoài việc giải quyết cuộc chiến đang diễn ra với Nga, Kiev cần phải trải qua những cải cách bổ sung để đủ điều kiện gia nhập khối.
Tờ báo Đức trung hữu Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) hôm 11/7 nhận định rằng đường lối của ông Biden là hợp lý.
“Ông ấy đã đúng khi chỉ ra rằng để Ukraine tham gia đồng nghĩa với việc NATO sẽ phải chiến đấu với Nga. Không ai có thể nghiêm túc muốn điều đó”, FAZ viết.
“Quyết định về việc gia nhập của Ukraine có ảnh hưởng sâu rộng đến mức không nên đưa ra quyết định nếu không biết chính xác bản đồ chính trị – quân sự của châu Âu sẽ như thế nào sau khi cuộc chiến kết thúc hoặc thậm chí trong trường hợp ngừng bắn. Điều này liên quan đến tình trạng của Nga cũng như của Ukraine”.
Ông Biden dự định gặp ông Zelensky trước khi có bài phát biểu vào tối 12/7 tại Vilnius về cuộc xung đột ở Ukraine. Thủ đô Vilnius của Litva nằm cách biên giới Belarus – một đồng minh thân cận của Nga – khoảng 20 dặm (32 km).
Các thành viên NATO, bao gồm Mỹ, đã tài trợ và trang bị hỏa lực mạnh mẽ cho các lực lượng Ukraine nhằm chống lại chiến dịch kéo dài gần 17 tháng của Nga, và ông Biden đã dần đáp ứng nhiều yêu cầu trước đó của ông Zelensky về viện trợ quân sự, chẳng hạn như đồng ý gửi loại bom đạn chùm gây tranh cãi để hỗ trợ cuộc phản công của Kiev, bất chấp sự phản đối từ chính các đồng minh NATO của Washington.
Chiến tranh thế giới thứ III
Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO hôm 11/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp sẽ viện trợ tên lửa hành trình tầm xa Scalp, vốn đã được Anh cung cấp với tên gọi “Storm Shadow”, để giúp các lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu nằm sâu phía sau phòng tuyến của Nga.
Đức – nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai trong NATO và lớn nhất trong EU cho Ukraine – cũng vừa hoàn tất gói viện trợ quân sự trị giá 700 triệu Euro cho Kiev, Bộ Quốc phòng Đức cho biết hôm 11/7, ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Vilnius.
Gói này bao gồm 2 bệ phóng Patriot từ kho của Quân đội Đức (Bundeswehr), 40 xe chiến đấu bộ binh Marder, 25 xe tăng chiến đấu chủ lực A5, 5 xe tăng Bergepanzer 2, 20.000 viên đạn pháo và 5.000 viên đạn khói 155 mm.
Các quan chức Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng việc vận chuyển vũ khí hạng nặng và viện trợ quân sự khác tới Ukraine khiến các thành viên NATO trên thực tế là những bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev.
Nga cũng khẳng định rằng sự hỗ trợ của phương Tây sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc chiến và không làm các lực lượng Nga chệch hướng khỏi việc đạt được các mục tiêu của họ trên chiến trường.
Hôm 11/7, khi các lãnh đạo NATO đang tập trung tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Vilnius, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev một lần nữa nhấn mạnh, việc phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev chỉ làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng với Nga, đẩy thế giới đến gần hơn với một cuộc chiến toàn cầu.
“Phương Tây hoàn toàn điên cuồng không thể nghĩ ra bất cứ điều gì khác”, ông Medvedev, người hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình, ám chỉ các cam kết viện trợ quân sự mới của các thành viên NATO cho Ukraine.
“Thực ra, đó là ngõ cụt. Chiến tranh thế giới thứ III đang đến gần hơn”, ông Medvedev nói. “Tất cả những điều đó có ý nghĩa gì với chúng ta? Mọi thứ đều rõ ràng. Chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ được tiếp tục với các mục tiêu không thay đổi”.
Minh Đức (Theo RT, Washington Post, NY Post)